HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

29/05/2014 15:27

Em phát hiện nhiễm HIV hơn 3 năm nay nhưng vẫn muốn được sinh em bé. Xin cho em biết, HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào? (N.T.B. Đà Nẵng)

Trả lời:

Thông thường tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25-40%. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc dự phòng tốt, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 5-10%, thậm chí chỉ còn 1%. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ phơi nhiễm sau dự phòng có kết quả âm tính với virus HIV chiếm trên 90%. Vì vậy, việc trẻ sinh ra có nhiễm HIV hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị dự phòng người mẹ mang thai nhiễm HIV.

Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra theo 3 con đường sau:

Trong thời kỳ mang thai

Virus HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên người ta nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai tương đối cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh nhau. 

Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Ảnh minh họa

Trong khi sinh

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virus trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ).

Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn...

Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%. Cũng vì lý do này mà một số chuyên gia cho rằng, việc rửa âm đạo khi chuyển dạ bằng các chất diệt virut vừa không gây nguy hại cho mẹ và thai nhi vừa làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con khi sinh.

Khi cho con bú

Cho dù nồng độ virus HIV không cao trong sữa mẹ, nhưng vẫn gây nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV.

Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ. Ảnh minh họa

Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.

Để dự phòng và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, người phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình chuyển dạ, cần tiếp tục hợp tác tốt với các bác sĩ sản khoa để giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi và an toàn. Các bà mẹ cũng cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh.
Top