Giúp người cao tuổi chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

12/06/2014 15:45

Để nâng cao kỹ năng tư vấn, giúp người cao tuổi chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV (trẻ OVC), người bị bệnh AIDS tại gia đình, Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS vừa tổ chức đối thoại cộng đồng với chủ đề “Chính sách- Pháp luật và cuộc sống” tại Hải Phòng.

Đây là một trong những hoạt động cơ bản nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Chăm sóc trẻ nhiễm HIV để giúp trẻ vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Ảnh Thùy Chi

Tại buổi đối thoại, các cán bộ thực thi pháp luật địa phương đã lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, giải đáp và tư vấn cách giải quyết những vướng mắc liên quan đến luật pháp trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em bị HIV. Qua đó nhằm tạo cơ hội cho các ông, bà đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ OVC được tiếp cận kiến thức về chính sách, chế độ bảo hiểm y tế và Luật phòng, chống HIV/AIDS, để tăng sự hiểu biết và giúp các ông, bà có kiến thức chăm sóc các cháu tốt hơn.

Riêng đối với trẻ OVC, các cháu sẽ nhận được hỗ trợ vật chất và tinh thần; được bảo đảm không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử… Bên cạnh đó, thông qua những buổi sinh hoạt CLB, các em được cung cấp các kỹ năng sống, thông tin về pháp luật và kiến thức để phòng tránh HIV/AIDS, bớt mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng.

Chia sẻ hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị H ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho biết, con gái bà sinh năm 1984, lấy chồng người Hàn Quốc năm 2007. Đầu năm 2010, con gái bà H phải về nước vì mắc tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, chị không về nhà mà bỏ đi lang thang. 6 tháng sau, cô này sinh con, đưa cháu bé về nhà cho bà H chăm sóc.

Năm 2011, 2013, cô lần lượt sinh 2 cháu nữa, nhờ mẹ đẻ chăm sóc, còn cô lại bỏ nhà đi. Bà H cho biết, con gái bà đã nhiễm HIV, thời gian gần đây, con gái bà trở về nhà nhưng mang trong mình nhiều bệnh nặng: lao phổi, lao lực… Hiện, ông bà đã già nhưng phải lao động để cưu mang con gái bệnh tật và nuôi 3 đứa cháu. Chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào 3 triệu tiền lương của chồng bà H và tiền công đi rửa bát thuê của bà. Điều đáng nói, do không hiểu biết pháp luật cộng với tâm lý “ngại” làm thủ tục giấy tờ, đến thời điểm này, 3 đứa cháu của bà H đều chưa có giấy khai sinh.

Trường hợp bà Hoàng Thị T, ở phường Hạ Lý lại éo le hơn. Bà T bán hàng nước ở Bến xe Lạc Long. Cách đây 8 tháng, một cô gái khoảng 30 tuổi đến quán nước của bà gửi con nhờ bà trông giúp, nhưng không quay lại đón. Bà T đã báo cáo chính quyền địa phương và nhận cháu bé làm con nuôi. Tuy nhiên, kinh tế gia đình bà T khó khăn. Cháu bé lại bị nhiễm HIV, mắc bệnh viêm màng não mủ, không có tiền chạy chữa. Bà T mong muốn được hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) để đưa cháu đi khám sức khỏe thường xuyên.

Giải đáp những băn khoăn của bà H, cán bộ Phòng Tư pháp quận Hồng Bàng cho rằng, nếu con gái bà H chưa có bản án ly hôn với người chồng Hàn Quốc thì đề nghị cán bộ tư pháp phường xác định tình trạng hôn nhân, xác định con gái bà có con ngoài giá thú hay không và hướng dẫn cách làm giấy khai sinh cho các cháu. Còn đối với trường hợp bà T, cán bộ Y tế quận Hồng Bàng cho biết: Trẻ em dưới 6 tuổi được thụ hưởng BHYT nên nếu cháu bà T chưa có thẻ BHYT thì bà mang giấy khai sinh của cháu bé đến gặp cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội phường để được hướng dẫn quy trình cấp thẻ bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của trẻ.

Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 2.000 trường hợp trẻ bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV ở nhiều độ tuổi khác nhau. Phần lớn số trẻ này mồ côi cha, mẹ; cha, mẹ đang thụ án hoặc không còn khả năng lao động. Vì vậy, số trẻ này đang được ông, bà hoặc họ hàng chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, hầu hết các ông, bà ở độ tuổi hơn 70, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ bị bệnh và sự am hiểu chính sách pháp luật hạn chế.

Điển hình, khảo sát mới đây của Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng đối với 513 gia đình có trẻ OVC trên địa bàn quận Lê Chân cho thấy: 45,9% trẻ do ông, bà chăm sóc; 74% số ông, bà không có trợ cấp xã hội phải tự trang trải cuộc sống; 83% số ông, bà không đủ sức khỏe để chăm sóc cháu...Còn khảo sát tại quận Hồng Bàng đối với 274 gia đình có trẻ OVC cho thấy: 85% trẻ do ông, bà chăm sóc; 64% ông, bà thuộc diện hộ nghèo; hơn 70% không đủ sức khỏe chăm sóc cháu...

Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho biết, dự án “Hỗ trợ ông, bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ, được Trung tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS triển khai trong năm 2014 tại 2 quận Hồng Bàng và Lê Chân.

Dự án hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em OVC thông qua hoạt động tăng cường năng lực cho ông, bà đang chăm sóc trẻ. Trong đó, tập trung vào những hoạt động như hồ sơ hóa hiện trạng sống của nhóm hưởng lợi là ông, bà đang chăm sóc trẻ OVC; giới thiệu để ông, bà tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ phúc lợi xã hội thông qua các chuyến thăm tận nhà và sinh hoạt CLB; kết nối với các nguồn tài trợ phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế và các cơ hội kinh tế được thực hiện; tổ chức 5 cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương, nhân viên y tế và ông, bà chăm sóc trẻ…
Top