Giúp người bị ảnh hưởng bởi HIV xin việc làm

26/11/2013 15:00

Đối với những ứng viên là người sống chung với HIV, người sử dụng ma túy, mại dâm, bạn tình của họ thì phỏng vấn xin việc là một rào cản lớn, cần rất nhiều nỗ lực và kỹ năng để vượt qua, nếu muốn có một việc làm phù hợp ngoài thị trường lao động.

Tư vấn cá nhân, hỗ trợ khách hàng hoàn thành hồ sơ, và phỏng vấn thử trước khi đi xin việc. Ảnh Việt Thắng

Một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án HIV/AIDS nơi làm việc (do Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ- USAIDS tài trợ) là tập trung vào chương trình chuẩn bị trước khi đi làm cho những người dễ bị tổn thương (người sống chung với HIV, sử dụng ma túy, mại dâm, bạn tình của họ), giúp họ đủ tự tin để tìm kiếm việc làm được trả lương ngoài thị trường. Vì vậy, nội dung hỗ trợ phỏng vấn xin việc được thiết kế và đưa vào trong quá trình tập huấn Kỹ năng mềm và kỹ năng tìm kiếm việc làm (đối với người tham gia tập huấn) và được thực hành trực tiếp với các tư vấn viên, chuyên viên (đối với những người chuẩn bị phỏng vấn.

Dựa trên đánh giá ban đầu về khó khăn của nhóm đối tượng khi đi xin việc và kinh nghiệm tuyển dụng, các tư vấn viên và chuyên gia về hỗ trợ tìm kiếm việc làm đã chuẩn bị một số câu hỏi thường gặp để giúp các ứng viên làm quen, tập trả lời thử, cũng như giúp cách ứng viên chỉnh sửa câu trả lời của mình, nếu cần thiết.

Những câu hỏi thương gặp ở buổi phỏng vấn xin việc được đưa ra cho các ứng viên là:

1.     Xin anh/chị giới thiệu về bản thân.

2.     Lý do khiến anh/chị mong muốn làm công việc này?

3.     Vì sao anh/chị thấy phù hợp với công việc?

4.     Kinh nghiệm làm việc trước đây của anh chị?

5.     Những điểm mạnh của anh/chị?

6.     Những điểm yếu của anh/chị?

7.     Mong muốn của anh/chị đối với người sử dụng lao động?

8.     Lý do gì khiến anh/chị không tiếp tục công việc cũ?

9.     Trong hồ sơ anh/chị có nghi rõ những khoảng thời gian không đi làm việc, thời gian đó anh/chị làm gì?

10.     Mức lương anh/chị mong muốn là bao nhiêu?

11.     Thời gian anh/chị có thể bắt đầu đi làm?

12.     Anh/chị có đề xuất gì đối với công ty, cơ quan…

Đối với những người sống chung với HIV, những người có tiền sử sử dụng ma túy, mại dâm trong các phỏng vấn thử trong lớp tập huấn đều gặp khó khăn ở câu hỏi số 6, số 8, số 9, và số 12.

Với câu hỏi 6 "Những điểm yếu của anh/chị?", tất cả những người được phỏng vấn đều rất thật thà chia sẻ về tình trạng HIV của mình hoặc lịch sử dùng chất kích thích của mình. Ví dụ, một khách hàng trả lời “Em đã có một quá khứ ăn chơi sa đọa và sai lầm. Em mới nghỉ việc ở công ty cũ vì nghi lấy cắp tài sản. Em rất mong vào làm bảo vệ ở công ty để có thu nhập nuôi sống bản thân” (Nam, TP HCM).

Với câu hỏi số 9 "Trong hồ sơ anh/chị có nghi rõ những khoảng thời gian không đi làm việc, thời gian đó anh/chị làm gì?", nhiều khách hàng dành quá nhiều thời gian để nói về những khó khăn cá nhân như phải đi trường trại cai nghiện, chán nản không thể tiếp tục công việc và đã bỏ việc…Ví dụ, một nữ khách hàng đã bộc bạch trong buổi phỏng vấn thử “trong mấy năm đó em cứ đi từ trại nọ sang trại kia. Chẳng làm gì được nuôi sống bản thân cả” (Nữ, Hà Nội).

Sau khi tham gia trả lời phỏng vấn thử, những người tham gia phỏng vấn được giảng viên, chuyên gia việc làm của dự án và những học viên khác đã cùng phân tích để giúp khách hàng trả lời tốt hơn trong những lần sau, đặc biệt là những điểm cần tránh khi trả lời phỏng vấn.

Những gợi ý và hướng dẫn cho ứng viên của dự án khi đi phỏng vấn tập trung giúp mọi người hiểu rõ:

1.     Việc tham gia phỏng vấn là một quá trình “tự giới thiệu bản thân” với nhà tuyển dụng, vì vậy cần tự tin để giới thiệu về bản thân mình một cách tốt nhất.

2.     Không nhất thiết phải thành thực chia sẻ hết những vấn đề cá nhân của mình đối với nhà tuyển dụng.

3.     Có thể dùng cách nói tránh khi nhà tuyển dụng hỏi về thời gian không làm việc bằng cách trả lời: Thời gian đó em đang giải quyết một số vấn đề cá nhân, một số vấn đề gia đình…

4.     Không nên ngần ngại khi đưa ra những mức lương mà mình mong muốn.

5.     Hỏi lại người phỏng vấn nếu không nghe rõ câu hỏi.

6.     Có thể từ chối một số câu hỏi mang tính chất cá nhân nếu bản thân không cảm thấy thoải mái.

7.     Nếu khách hàng cần phải chia sẻ những khó khăn trong quá khứ của mình để cảm thấy yên tâm, tự tin và chỉ rõ sự thành thực của mình thì cần chia sẻ với một ai đó trước khi đến cuộc phỏng vấn chính thức.

Nhờ sự tập dượt này, cũng như các hỗ trợ tại nhóm, tư vấn cá nhân, nâng cao lòng quý trọng bản thân, nhiều ứng viên trong dự án đã  vượt qua vòng phỏng vấn xin việc, tìm được những việc làm phù hợp .

Top