Gieo sự sống ở “vùng đất chết” - Nơi hồi sinh những mảnh đời nhiễm H

31/12/2019 08:53

Từng chìm trong bóng tối của ma túy, HIV/AIDS, xã Kim Sơn 1 được ví như vùng đất chết, nay đã dần hồi sinh nhờ CLB Tình thương dành cho người nhiễm H.

Đường vào thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ríu rít tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, những mái nhà nhỏ xinh núp dưới tán những bóng cây xanh, thay vì xây kín cổng cao tưởng, những bờ rào thấp chỉ ngang bụng người được tỉa gọn, trồng xen lẫn hoa để ngăn cách nhà này với nhà kia tạo nên khung cảnh đẹp yên bình thơ mộng của mảnh đất miền biên viễn.

Nằm giáp với cửa khẩu Cầu Treo, bên kia là nước bạn Lào, Sơn Kim khiến bất cứ ai đến đây cũng bị mê luyến. Cũng ít ai biết rằng, nơi đây đã từng bị cơn bão ma túy, HIV/AIDS càn quét, người già lặng lẽ, trẻ con lấm lét... để lại những thảm kịch đau lòng cho bao gia đình với những cuộc đời, những thân phận tủi hờn và chát đắng.

Các thành viên CLB Tình thương tham gia buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy tại địa phương

Nhiều người dân cho biết, họ bị ám ảnh bởi con số 202, bởi đây chính là số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS và những đối tượng “đầu gấu” mới được ra tù vào khoảng những năm 2000.

Sơn Kim 1 đã hồi sinh ra sao sau những năm dài được ví như địa ngục, khi cái chết bởi ma túy, HIV/AIDS luôn rình rập sau mỗi ngưỡng cửa gia đình? Cho đến khi có CLB Tình thương...

Được thành lập từ năm 2010 bởi sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo, đến nay, CLB Tình Thương đã trở thành mái nhà cho những người nhiễm HIV/AIDS, giúp nhiều người cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng.

Hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Tham gia một hội nghị về phòng chống ma túy được tổ chức tại địa phương, anh Phạm Quang Minh được giới thiệu là một trong những thành viên tích cực của CLB Tình Thương. Trái với suy nghĩ của nhiều người, anh Minh không e ngại, mạnh dạn kể về câu chuyện của mình. Anh nói: “Cuộc đời tôi đã có những bước quá lầm lỡ, chỉ mong kể ra để những người khác đừng bao giờ mắc phải, ma túy là chết, HIV/AIDS là hết”.

Anh Minh kể, bi kịch của anh bắt đầu từ năm 1997, khi vừa mới 21 tuổi, sau những lần chia tay người yêu, đau khổ vì thất tình, anh rơi vào cạm bẫy của ma túy, nghiện ngập. Đến năm 26 tuổi, anh biết mình bị nhiễm HIV.

“Ma túy giống như một con ma, nếu đã dính vào thì rất khó để dứt ra. Tôi cũng đã nhiều lần cai nghiện, nhưng lại bị bạn bè lôi kéo, cơn thèm thuốc lại lên, rồi lại ngựa quen đường cũ. Năm 2006, khi còn đang trong trại cai nghiện, bác sĩ phát hiện tôi bị nhiễm HIV. Khi biết thông tin, tôi xem như mình đã chết. Tôi sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người, ai nấy đều tránh xa, họ sợ lây bệnh. Có khi mình vừa uống xong cốc nước họ cũng phải mang rửa vội.

Cũng bởi bị xa lánh, mà sau khi ra khỏi trại cai nghiện, tôi lại tiếp tục lún sâu vào con đường ma túy. Đến năm 2010, khi biết đến CLB Tình Thương, tôi đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người, được động viên, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho mua bò, thậm chí chúng tôi còn được bảo lãnh để được làm bốc vác trong cửa khẩu. Cuộc sống bận rộn, tôi dần đoạn tuyệt được với ma túy”, anh Minh tâm sự.

Đến nay, anh Minh đã ổn định được cuộc sống, có công việc để tự nuôi sống bản thân, có mái nhà của riêng mình.

Chị Nguyễn Thị Minh Long, từng là nạn nhân của buôn bán người qua biên giới cũng kể về CLB Tình Thương như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Mọi bi kịch của chị bắt đầu khi chị mới vừa 20 tuổi. Sinh ra trong gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn, phải ăn ngô sắn qua ngày, cũng bởi vậy, năm 1991, khi mới 20 tuổi, nghe theo lời dụ dỗ sang Trung Quốc để tìm việc lương cao, chị rơi vào tay bọn buôn người. Sau đó, chị Long bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. “Ông ta nghiện ma túy và thường xuyên đánh đập vợ, 3 ngày 1 trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng. Cuộc sống của tôi như nô lê trong tù giam lỏng, không biết tiếng, không người thân quen, đi đâu cũng bị kìm hãm. Khi ấy tôi nhớ nhà, muốn bỏ trốn nhưng không biết phải làm sao”, chị Long nuốt nước mắt kể về những ngày cơ cực bị bán sang biên giới.

Số phận nghiệt ngã hơn, khi chị bị lây nhiễm HIV/AIDS từ người chồng nghiện ma túy mà không hề hay biết. Sau này, chị may mắn được 1 người đàn ông Việt Nam giải cứu. Cả 2 đã cùng trốn về nước và xây dựng gia đình.

“Anh là giai tân, còn tôi là người phụ nữ đã từng qua 1 đời chồng, từng bị đem bán. Gia đình phản đối, nhưng cuối cùng anh vẫn nhất định lấy tôi làm vợ. Tưởng rằng cuộc sống của chúng tôi từ nay sẽ khác, nhưng tôi lại tiếp tục lây HIV/AIDS cho anh mà không hề biết”, chị Long kể.

Chị Long tâm sự, từ khi biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ, chị sống trong mặc cảm, xa lánh mọi người, chính CLB Tình thương đã trở thành mái nhà, giao bò, giúp vợ chồng chị được phát triển kinh tế, vượt qua những khó khăn và xóa đi những mặc cảm.

Tạo kế sinh nhai là xương sống của mọi hoạt động

Chị Nguyễn Thị An, chủ nhiệm CLB Tình Thương chia sẻ, hiện tại CLB có 46 thành viên, thời kỳ đầu khi mới thành lập, không ít người hoài nghi về tính khả thi. Nhiều người có tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc, thậm chí là xa lánh với những người nghiện, nhiễm HIV/AIDS. Bản thân những người nghiện, nhiễm HIV/AIDS cũng mặc cảm, tự ti, không muốn công khai thân phận của mình.

Để vận động những người nhiễm HIV vào CLB, chị An cùng những thành viên khác đã  tích cực vận động, đến từng nhà, gặp từng đối tượng.

Không chỉ tổ chức các buổi sinh hoạt chung, CLB Tình thương xác định, muốn đưa những người nghiện ma túy, nhiễm H đoạn tuyệt với thứ hàng trắng, cần tạo cho họ công ăn việc làm, tránh sự kỳ thị của xã hội để làm lại cuộc đời.

“Chúng tôi nghĩ rằng tạo công ăn việc làm ổn định, có cơ chế sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú sẽ giúp các thành viên hòa nhập cộng đồng là xương sống để CLB duy trì và phát triển. Hiểu được điều đó, nên hàng năm đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo và Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, giải quyết công ăn việc làm co các thành viên”, chị An cho biết thêm.

Bên cạnh đó, CLB cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ để huy động vốn, xây dựng mô hình “ngân hàng bò” để hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế. Đến nay 100% các hội viên đã có cuộc sống ổn định,vượt qua mặc cảm, tự ti để xây dựng cuộc sống mới.

Cũng theo chị An, dưới sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng Cầu Treo, nhiều người từng nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS sau khi tham gia vào CLB Tình thương nay đã trở thành thành viên của các tổ tự quản về an ninh trật tự tại chợ biên giới, cùng với bộ  đội biên phòng tham gia bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, họ cũng là đội ngũ tích cực giúp lực lượng chức năng triệt phá, bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán ma túy, buôn bán người và ngăn chặn các vụ vượt biên trái phép.

Top