Giải pháp đạt mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS

11/02/2016 12:32

Được chọn là 1 trong 5 tỉnh thành ưu tiên (TP.HCM, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa) để triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, tỉnh Nghệ An đang nỗ lực phấn đấu để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.

Thăm khám, điều trị cho trẻ nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về việc triển khai mục tiêu 90-90-90, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Văn Định cho biết, đạt được mục tiêu trên, có nghĩa là đạt được mức 90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất.

Theo kế hoạch triển khai mục tiêu 90-90-90 tại tỉnh Nghệ An, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2017 đạt được 6.520 trường hợp nhiễm HIV sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 5.868 người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 5.281 trường hợp đối với mục tiêu thứ ba.

Tỉnh Nghệ An đã bắt đầu triển khai mục tiêu 90-90-90 từ ngày tháng 10/2015. Để bảo đảm kế hoạch, trước khi triển khai, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát 14 huyện, thị trên địa bàn. Đồng thời, bố trí nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai tốt kế hoạch; cung cấp đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc thiết yếu; đào tạo, tập huấn từ dự phòng đến chăm sóc điều trị, thống kê và báo cáo.

Trung tâm cũng đã tổ chức giao ban triển khai, tăng cường kết nối dịch vụ và chuyển gửi bệnh nhân giữa các cơ sở; giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và kết nối, điều phối thuốc, sinh phẩm giữa các dự án Qũy Toàn cầu, VAAC - US.CDC…

Theo số liệu thống kê, tính từ khi bắt đầu triển khai đến cuối thánh 12/2015, số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình tăng từ 69,2% lên 75,4%. Trong giai đoạn này phát hiện thêm 351 xét nghiệm dương tính. Cùng thời gian, 150 người đã được kiểm tra xác nhận là ca nhiễm mới. Như vậy, đạt được 75,8% so với mục tiêu 90 đầu tiên (6.520 người biết tình trạng HIV).

Đối với mục tiêu thứ hai, số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV tăng từ 41,4% lên 52,5%, đã đưa thêm 303 bệnh nhân mới vào điều trị ARV. Tổng đạt được 67,8% so với mục tiêu 90 thứ 2 (5.868 người được điều trị ARV). Nếu so với 90% số nhiễm HIV còn sống đang quản lý tại tỉnh (4.784) thì đạt 71,5%.

Theo ông Nguyễn Văn Định, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần phải thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, đối với công tác tiếp cận cần kết hợp cả 2 kênh y tế thôn bản và các tổ chức vì cộng đồng (CBOs). Từng quý thực hiện cuốn chiếu sàng lọc, đánh giá nguy cơ và kết nối xét nghiệm/xét nghiệm lưu động theo cụm xã/thôn/bản sử dụng mạng lưới y tế thôn bản. Đi từ xã ước tính người nhiễm cao xuống thấp và kết hợp thành viên CBOs tích cực tiếp cận người nguy cơ cao xét nghiệm và kết nối điều trị. PAC điều phối, đẩy mạnh nguồn lực đối tác COHED, VUSTA, SMART TA. Đồng thời, triển khai Gói dịch vụ can thiệp trong dịp Tết 2016.

Trong thời gian đầu, PAC phối hợp với các huyện giám sát hỗ trợ kỹ thuật, giúp điều phối để kết nối tốt hơn giữa khâu tiếp cận và xét nghiệm cho khách hàng nguy cơ, ưu tiên các huyện mới chưa có kinh nghiệm. Phối hợp với SMART TA, COHED tập huấn tiếp cho y tế thôn bản và thành viên CBOs để tăng cường các kênh tiếp cận.

Đối với công tác xét nghiệm, cần rút ngắn tối đa thời gian từ sàng lọc dương tính với HIV đến nhận kết quả khẳng định để kết nối điều trị. Chúng ta phải chuẩn bị để phê duyệt và đưa 3 phòng xét nghiệm khẳng định bằng 3 test nhanh tuyến huyện vào hoạt động: Quế Phong (12/2015), Thái Hoà và Tương Dương (Quý II/2016). Bên cạnh đó, cân nhắc mở thêm 2 phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện, phòng xét nghiệm khẳng định tại PAC, tiến hành xét nghiệm ít nhất 2 lần/tuần. Nếu số mẫu nhỏ, cân nhắc dùng 3 test nhanh. Việc trả kết quả qua bản scan dấu đỏ email cơ quan, áp dụng trả kết quả ngay bằng chuyển phát nhanh. Cũng cần phải hỗ trợ các huyện ưu tiên gửi mẫu máu sàng lọc dương tính về phòng xét nghiệm khẳng định trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, tích cực triển khai điểm xét nghiệm sàng lọc tuyến xã và lưu động thôn bản.

Về công tác điều trị, tham mưu cho Sở Y tế tỉnh thành lập nhóm Hỗ trợ kỹ thuật điều trị HIV. Các cơ sở điều trị mới cần triển khai dịch vụ: tập trung bảo đảm khâu tiếp nhận điều trị với những bệnh nhân mới đầu tiên như tuyển sớm nhân viên hỗ trợ tiếp cận điều trị, chuẩn bị thuốc, mẫu biểu; liên hệ và có kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân cũ, bảo đảm bệnh nhân không bị thiếu thuốc

Đối với cơ sở điều trị đã có bệnh nhân ở huyện miền núi (Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Thái Hoà), tập trung chuyển bệnh nhân về nhận thuốc tại xã theo quy trình hướng dẫn. Cần phải ưu tiên những xã ở khu vực vùng sâu vùng xa, khó đi lại trước.

Về điều trị Lao/HIV, cần thiết lập quy trình và hỗ trợ chuyển mẫu đờm bệnh nhân HIV làm Gene Xpert tại Bệnh viện Lao tỉnh; bảo đảm xét nghiệm HIV ở 100% bệnh nhân lao (có test miễn phí trong chương trình); bảo đảm thuốc INH được phân phối đến các cơ sở điều trị đầy đủ; củng cố việc hội chẩn từ xa của Bệnh viện Lao tỉnh với các OPC trường hợp nghi lao BK (-); chuẩn bị 5 bệnh viện huyện đang được Qũy Toàn cầu hỗ trợ để tiếp nhận bệnh nhân HIV...

Để thực bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, chúng ta cũng cần thực hiện tốt việc duy trì quản lý tốt các ca bệnh như triển khai đưa dịch vụ điều trị đến gần người bệnh bằng việc khẩn trương triển khai điểm phát thuốc tại xã, phối hợp cung cấp đợt điều trị lưu động tại xã; thực hiện quy trình giảm mất dấu và kết hợp giữa phòng khám với CBOs với nhân viên y tế thôn bản.

Ông Nguyễn Văn Định cho rằng, công tác theo dõi, thống kê, báo cáo rất quan trọng khi thực hiện mục tiêu 90-90-90. Cần chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm y tế, bệnh viện huyện, thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo hàng tháng, quý theo quy định của Bộ Y tế và các dự án. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc xác minh các trường hợp dương tính, hướng dẫn các đơn vị tuyến huyện, xã triển khai.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác điều phối như tổ chức giao ban hàng quý cập nhật tiến độ và kế hoạch ưu tiên; cập nhật danh sách cán bộ, cơ sở cung cấp dịch vụ để tăng cường kết nối và duy trì bệnh nhân; phối hợp với công tác truyền thông giảm kỳ thị đối với các huyện mới triển khai dịch vụ.

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra cho thấy, cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo, cam kết cao của chính quyền địa phương (UBND tỉnh và Sở Y tế). Ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời để hoàn thiện tổ chức và công tác hậu cần. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (USAID/SMART TA) để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị, đào tạo, cung cấp TTB thiết yếu, phối hợp với các nhà tài trợ liên quan. PAC cũng cần chủ động theo dõi tiến độ của từng huyện và kịp thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Top