Giả thuyết bất ngờ về nguồn gốc và hành trình ‘bùng phát’ HIV

01/02/2021 10:17

GS Jacques Pepin, Đại học Sherbrooke (Canada) cho biết, người đầu tiên nhiễm HIV vào năm 1916 ở phía đông nam Cameroon, trong vùng Molunda, bị lây nhiễm virus trong chuyến đi săn khỉ. Ông cho rằng con bệnh F0 là lính Pháp, Bỉ hoặc Anh tham gia những trận đánh chống quân đội Đức ở Cameroon, lúc đó là thuộc địa của Đức.

 Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã nhận định người nhiễm virus HIV đầu tiên đã lây bệnh qua khỉ

“Lính tráng đã trải qua 3 hoặc 4 tháng ở Molunda trước khi di chuyển tiếp. Và vấn đề chính đối với họ không phải là những viên đạn của kẻ thù, mà là cơn đói”, GS Pepin nói.

Ông giải thích rằng, các binh sĩ khi đó nhanh chóng hết lương thực thực phẩm, phải săn bắn khỉ và những con vật khác để làm thức ăn.

“Giả thuyết của tôi dựa trên thực tế là một trong những người lính đã bị nhiễm bệnh trong thời gian săn thú. Một con tinh tinh mang mầm bệnh đã bị giết, và người giết khỉ bị đứt tay trong quá trình cắt xẻ thịt, dẫn đến lây nhiễm”, nhà khoa học cho hay.

Sau chiến tranh, người lính này trở về Leopoldville (nay là Kinshasa), thuộc Bỉ Congo (hiện nay là Cộng hòa Dân chủ Congo), và nơi đây trở thành ổ lây lan dịch bệnh, cho đến đầu những năm 50 đã có khoảng 500 người mắc bệnh, GS Pepin nhận định.

Nhà khoa học tin chắc rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lây lan HIV và bùng phát nhanh chóng khi đó là việc tái sử dụng kim tiêm trong bệnh viện do tình trạng thiếu thốn trang bị thuốc men nói chung. Năm 1960, khi Congo giành được độc lập, dòng người di cư từ các vùng nông thôn ồ ạt tràn vào Leopoldville, khiến nơi đây trở thành môi trường lý tưởng cho virus lây lan. Đáng nói trong thời kỳ này, thành phố có tỷ lệ 10 nam giới/1 phụ nữ, dẫn đến phổ biến mại dâm, khiến cho căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS càng nhanh chóng lây lan qua đường tình dục.
Top