Em và anh cùng “vượt sóng”

08/12/2011 11:10

Nếu chẳng may bạn phát hiện người bạn đời của mình nhiễm HIV/AIDS, bạn sẽ làm gì? Những người thuộc “phái yếu” đã chọn con đường “vượt sóng”...

Bốn năm trước, cô công nhân giày da N.M.H. (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa sinh con được 2 tháng thì phát hiện anh chồng trẻ chơi ma túy với bạn nghiện. Giận chồng, nhưng thấy anh K. tỏ ra thiết tha ân hận nên chị dành cho anh “cơ hội cuối cùng” với việc bán đồ điện gia dụng ở Bình Thạnh. Đang làm ăn suôn sẻ thì sức khỏe anh K. bỗng sút nhanh, đi xét nghiệm mới biết nhiễm HIV. Chị vợ kể chuyện cũ mà nước mắt lưng tròng: “Lúc đó tôi vừa sợ vừa thất vọng nên mấy lần định đâm đầu vô xe tải, nhưng chợt nghĩ tới các con…”.

Chồng ngã, vợ nâng

May mắn, H. và hai con chưa nhiễm HIV. Sau khi vượt qua cú sốc, chị đã cất công tìm hiểu cách chung sống, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Anh K. uống thuốc đặc trị ARV, bị tác dụng phụ quá đau đớn cũng đã có lần định tự tử, chị H. đã lựa lời khuyên nhủ chồng “gắng sống với vợ con”. Thấy vợ còn son trẻ mà lại quá khổ vì mình, anh K. đã nhiều lần khuyên vợ tìm hạnh phúc khác, khiến người vợ bé nhỏ rất xúc động. Có những lúc hai vợ ôm lấy nhau ràn rụa trong nước mắt.

Hàng xóm và những người họ hàng biết chuyện đã có những thái độ kỳ thị khiến anh K. rất buồn và chán nản, chị H. lại mềm mỏng trò chuyện để “tăng sức mạnh” cho chồng. Vài tháng sau đó, H. xin gia nhập một nhóm chuyên chăm sóc bệnh nhân AIDS và động viên anh K. theo làm “trợ lý”.

Chị H. đến nhà chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối

Theo chân vợ chồng H.- K., chúng tôi đến nhà một bệnh nhân AIDS trên đường Lê Quang Định (Q.Gò Vấp). Chị vợ chích thuốc, truyền dịch theo toa bác sĩ, còn anh chồng làm vệ sinh cơ thể cho người bệnh, sau đó họ trò chuyện, động viên và dặn dò người bệnh lịch uống thuốc đều đặn.

Chị H. tâm sự: “Không là vợ chồng thì thôi, lúc hoạn nạn bỏ sao đành”. Được vợ động viên, anh K. hăng hái đi tìm việc làm, còn chị đi học thêm lớp sơ cấp điều dưỡng. Họ cho biết khi tựa vai nhau chống chọi với cơn sóng dữ HIV/AIDS và cái nghèo đeo bám, họ cảm nhận được hạnh phúc thật sự của cuộc đời.

Cùng anh đi hết cuộc đời

“Thật ra, nhiễm HIV đâu có chết nhanh bằng ung thư, hơn nữa bây giờ cũng dễ tìm thuốc đặc trị kéo dài sự sống. Cái khó nhất trong công việc của chúng tôi là giúp các đôi uyên ương chấp nhận thực tế từ đó nương tựa nhau sống. Chúng tôi rất vui khi nhiều lần chứng kiến tấm lòng son sắt thủy chung với người bạn đời nhiễm HIV/AIDS”.

Chị XUÂN MAI (tham vấn viên HIV/AIDS quận 2, TP.HCM)

Ngày ấy, dù gia đình hai bên không đồng ý, anh M. và chị G. (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn đến với nhau, không cưới hỏi, không hôn thú. Chị G bán thịt ngoài chợ, anh chạy xe ôm và đưa đón hai con đi học. Có đồng ra đồng vào, anh M bị rủ rê thử chơi “hàng trắng” và nghiện lúc nào không hay. Nhà có gì bán được anh cũng đem bán hết, rồi nợ nần lung tung đến nỗi chị G. phải sang lại sạp thịt lấy tiền trả nợ.

Khi chỉ còn tay trắng, chị ra tối hậu thư: hoặc đi cai, hoặc ly dị. “Cày” cật lực, ky cóp dữ lắm chị M mới có đủ tiền đi trại cai nghiện ở Bình Dương thăm nuôi chồng mỗi tháng. Vậy mà khi gặp chồng, chị giấu biệt nỗi cơ cực thường ngày: “Em lo được, anh cứ an tâm cai nghiện”.

Một ngày chị nhận được tin M. chuyển viện khẩn cấp do chuyển bệnh AIDS giai đoạn cuối. Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chị G. đã khóc hết nước mắt khi thấy chồng chỉ còn da bọc xương, nằm bất động, nói năng mê sảng.

Nén nỗi đau trong lòng, chị G. khăn gói vào bệnh viện nuôi chồng cả tháng trời. Ở đó chị chứng kiến không ít gia đình đã bỏ mặc người thân. Hồi đầu chị sợ lắm nhưng rồi nghĩ lại: “Thôi thì vợ chồng sống cùng sống, chết cùng chết”. Mỗi ngày chị dỗ anh ăn từng muỗng cháo, uống từng viên thuốc, vệ sinh cơ thể cho anh... và cuối cùng anh M. đã thoát khỏi những giây phút nguy kịch.

Mỗi sáng sau khi lo cho chồng, chị G. cầm xấp vé số đi bán. Chốc chốc chị lại tạt vô nhà trông chừng người chồng đang nằm liệt giường. Người ta nhìn chị bằng con mắt “kỳ kỳ” nhưng chị vẫn không nản chí. Bán hết vé số, chị lại nằm bên chồng thủ thỉ những câu chuyện đời. Buổi tối, hai vợ chồng vẫn ngủ chung giường như thuở còn son trẻ.

Theo gương mẹ, hai cậu con trai lúc nào cũng lễ phép, cậu nhỏ về nhà là hôn hít ba, còn cậu con trai lớn dành dụm tiền lương học việc nghề thợ bạc mua một chiếc tivi cũ đặt đầu giường cho ba xem giải trí. Hôm chúng tôi tới nhà, anh M. đã có thể cùng vợ ngồi tiếp chuyện: “Tôi còn sống đây là nhờ một tay bà xã và sắp nhỏ, giờ có chết cũng mãn nguyện…”.

Top