Dự án VUSTA: Góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS

30/12/2016 10:54

BS. Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS-Dự án VUSTA cho biết, thông qua các hoạt động, hy vọng dự án sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại 15 tỉnh dự án, được xác định là những tỉnh có số lượng người dễ bị nhiễm HIV ở mức cao.

Cụ thể, giảm 50% số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy (NCMT), vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010; giảm 50% số trường hợp nhiễm mới HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010 và tăng tỷ lệ người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2020.

BS. Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án VUSTA. Ảnh: Thùy Chi

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội

Trao đổi với phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm, BS. Đỗ Thị Vân cho hay: Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS-Dự án VUSTA giai đoạn 2015-2017 nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và CBO trong thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,3% vào năm 2020, và giảm các tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự án Lao/HIV giai đoạn 2015-2017 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Bộ Y tế phối hợp xây dựng theo mô hình tài trợ mới và đã được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) phê duyệt vào tháng 11/2014, VUSTA sẽ là đơn vị tiếp nhận viện trợ chính, cùng với Bộ Y tế, trong giai đoạn 2015-2017.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” do VUSTA triển khai tại 15 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đối tượng can thiệp là NCMT, phụ nữ bán dâm (PNBD) và nam có quan hệ tình dục với nam/người chuyển giới (MSM/TG).

Giai đoạn 2016, Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục can thiệp tại 15 tỉnh/thành phố trong tổng số 30 tỉnh/thành phố có gánh nặng về HIV/AIDS cao mà Bộ Y tế tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Trong giai đoạn này, 3 tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tiếp tục tham gia triển khai dự án, với vai trò là các đơn vị nhận tài trợ phụ (SR) - tiểu ban quản lý dự án (QLDA), bao gồm: Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE).

Trên 37 nghìn người NCMT được tiếp cận dự phòng HIV

Kết quả chỉ số cam kết năm 2016 cho thấy: Tính đến tháng 9/2016, số lượng MSM tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 23.239, đạt 102,7%; tỷ lệ MSM chuyển gửi thành công đi xét nghiệm HIV vượt chỉ tiêu so với chỉ số cam kết; số lượng PNMD tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 10.259, đạt 104,6%; số lượng NCMT tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 37.409, đạt 105,2%; số lượng CBO là 96 đạt 100%; số lượng tiếp cận viên đồng đẳng là 1.180, đạt 78%;  tỷ lệ % NCMT chuyển gửi vượt chỉ tiêu cam kết; số cuộc gọi xin tư vấn pháp luật là 2.509, đạt 125%...

Đối với công tác kết nối, chuyển gửi điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone, từ tháng 1 đến 30/9, dự án VUSTA đã chuyển gửi được 1.762 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện bằng Methadone.

Về công tác can thiệp giảm hại, số lượng vật phẩm trong 9 tháng đầu năm dự án phát ra là gần 11 triều bơm kim tiêm, hơn 1 triệu bao cao su và gần 1 triệu sản phẩm chất bôi trơn. Đã có trên 37 nghìn nghiện IDU nhận được bơm kim tiêm, trên 23 nghìn người lao động tình dục FSW nhận bao cao su và trên 10 nghìn MSM nhận được chất bôi trơn.

Trong năm 2016, dự án VUSTA chú trọng nâng cao năng lực, củng cố hệ thống cộng đồng. Trong 9 tháng đầu năm, dự án Thực hiện nhiều  chuyến giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho CBO tại 15 tỉnh; tổ chức 21 khóa tập huấn, 96 CBO được hỗ trợ máy tính, máy in; 96 CBO được hỗ trợ văn phòng, trang thiết bị làm việc.

Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ, tổ chức 6 truyền thông lớn và sự kiện cộng đồng; gần 3 nghìn truyền thông nhóm nhỏ; trên 71 nghìn tiếp cận và chăm sóc khách hàng là TCMT, MSM, PNMD; gần 71 nghìn người được tư vấn trực tiếp; gần 44 nghìn người được chuyển gửi đi xét nghiệm HIV...

Dự án cũng chú trọng hỗ trợ thành lập Hội hỗ trợ người dễ bị tổn thương Việt Nam: Hoàn thành bộ hồ sơ xin thành lập hội, trình cơ quan thẩm quyền trong năm 2016. Đóng góp ý kiến dự thảo Luật về Hội: Hội thảo chuyên gia góp ý cho dự thảo; khảo sát, điều tra ý kiến cộng đồng về sự cần thiết Luật về Hội. Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ y tế, tổ chức hội nghị gặp mặt các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức hội thảo đối thoại chính sách về BHYT với người nhiễm HIV/AIDS...

Tư vấn pháp luật miễn phí qua đường dây hotline 18001029: 2.509 cuộc gọi tư vân về các vấn đề: liên quan đến hôn nhân-gia đình, dân sự-hành chính: Đất đai, tài sản thừa kế; hình sự: Sử dụng ma túy, hành nghề mại dâm; tham gia chương trình điều trị Methadone, xét nghiệm HIV, điều trị ARV, bảo hiểm y tế ; trợ giúp pháp lý cho nhiều trường hợp cụ thể tại một số tỉnh dự án.

Ngoài ra, dự án còn thực hiện các nghiên cứu, bao gồm: Thực trạng, vai trò và các thách thức của các tổ chức xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (Đại học Y Hà Nội, 6/2015); đánh giá về công tác dự phòng và điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam (Viện nghiên cứu lập pháp, 2015); đánh giá khả năng tiếp cận nguồn tài chính công của các TCXH trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, 2016); môi trường thể chế, chính sách cho sự phát triển các tổ chức cộng đồng phục vụ vận động chính sách cho Luật về Hội (Nhóm chuyên gia, 5/2016).

Dự án VUSTA cũng tăng cường hợp tác kết nối: Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng Bản phối hợp hành động ký với Dự án Qũy Toàn cầu-Y tế; phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS ở 15 tỉnh, thành phố; lập kế hoạch, lựa chọn địa bàn và đối tượng can thiệp; phối hợp chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao tới các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; phối hợp trong quản lý, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su và tiêu hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng; phối hợp trong báo cáo kết quả.

Hợp tác với các Bộ, ban ngành có liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an...; hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam; phối hợp với Hội Luật gia trong trợ giúp pháp lý cho các nhóm dễ bị tổn thương vì HIV/AIDS.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNAIDS, WHO, USAID, FHI360, SAMHSA, PATH, UNODC về các lĩnh vực khác nhau…

Gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS

Trong năm 2016, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp các ngành, dự án VUSTA đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, dự án vẫn gặp một số khó khăn, đó là sự phát triển của các tổ chức cộng đồng chủ yếu tập trung ở các thành phố, nơi có dự án triển khai trong khi đó cơ sở vật chất, kinh phí còn hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế; năng lực chuyên môn còn hạn chế, thường thì người đứng đầu có năng lực chuyên môn tốt; sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các tổ chức xã hội và với các đối tác chưa hiệu quả; khả năng huy động nguồn lực trong nước còn yếu, tính chủ động chưa cao.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị và tự kỳ thị còn nặng nề trong cộng đồng xã hội; đa số các CBO chưa có tư cách pháp nhân, do đó khó tiếp cận nguồn lực trong nước và quốc tế; năng lực của CBO còn hạn chế; các chính sách liên quan đến các nhóm đối tượng chưa đồng bộ và chưa được thực thi triệt để, tạo ra rào cản cho tiếp cận dịch vụ; chính sách để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; phần lớn các tổ chức xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài, chưa có cơ chế tài chính trong nước cho các tổ chức này.  

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án, BS. Đỗ Thị Vân cho biết, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội; sửa đổi Luật ngân sách: Xây dựng cơ chế để các tổ chức xã hội tiếp cận được với ngân sách nhà nước; xây dựng chính sách thuế đặc thù cho các tổ chức xã hội; đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận viện trợ nước ngoài: sửa đổi Nghị định 93; chuyển giao các dịch vụ công cho các tổ chức xã hội; dự thảo Luật về Hội: Phạm vi điều chỉnh cần bao phủ cả các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng.

Định hướng dự án trong thời gian tới là tiếp tục cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện ma túy; củng cố hệ thống cộng đồng; gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; tăng nguồn lực tài chính. Tiếp tục cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và nghiện ma túy, bao gồm: Thông tin, truyền thông thay đổi hành vi (đa dạng và cung cấp tài liệu truyền thông); can thiệp dự phòng giảm hại: Bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn... ; tư vấn, xét nghiệm,  phát hiện HIV; xét nghiệm tại các cơ sở y tế; xét nghiệm tại cộng đồng (tự xét ngiệm); chuyển gửi người nhiễm HIV tới cơ sở điều trị HIV (OPC); chuyển gửi Methadone, STIs...

Đối với công tác củng cố hộ thống cộng đồng, xây dựng các CBO đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phòng,chống HIV/AIDS; thực hiện giám sát cộng đồng bảo đảm chất lượng các dịch vụ do cơ sở y tế cung cấp, thực hiện các hoạt động vận động chính sách...; tiếp tục hỗ trợ các mạng lưới: VNPUD, VNP , VNMSM-TG, VNSW; các hoạt động tăng cường năng lực khác.

Đặc biệt, dự án sẽ chú trọng gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, như: Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm chính, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với các nhóm chính; hỗ trợ pháp lý (đường dây nóng, hỗ trợ trực tiếp...); bảo đảm bình đẳng giới; các hoạt động vận động chính sách cho các hoạt động trên có hiệu quả... để giúp giảm thiểu số người nhiễm mới HIV và giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS được tham gia điều trị, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Top