Dự án USAID SHIFT ‘nỗ lực’ hỗ trợ các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS

28/10/2016 16:01

Cùng với Chính phủ, Dự án USAID SHIFT nỗ lực để 80% số người nhiễm HIV tại các tỉnh mục tiêu được tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế cho các dịch vụ HIV, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động chính sách, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tích hợp hệ thống thông tin y tế điện tử tạo thuận lợi cho việc báo cáo về HIV, quản lý thuốc và bệnh nhân, thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, các chuyên gia sẽ chuyển giao chương trình HIV bền vững cho các đối tác địa phương và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật theo nhu cầu nhằm tăng cường ứng phó của Việt Nam với đại dịch HIV.

Hỗ trợ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Ảnh: Thùy Chi

Trao đổi với phóng viên của Trang tin Tiếng Chuông, TS. Nguyễn Tố Như, Giám đốc Kỹ thuật Dự án USAID SHIFT, Phó Trưởng đại diện Tổ chức FHI 360, cho biết, năm thứ nhất Dự án USAID SHIFT tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, hỗ trợ kiện toàn hệ thống y tế và triển khai thanh toán bảo hiểm y tế tuyến cơ sở và tuyến tỉnh. Tuyến cơ sở bao gồm: Dịch vụ là toàn bộ 46 cơ sở điều trị HIV do dự án USAID SHIFT hỗ trợ; dự án hỗ trợ tăng cường cho cơ sở điều trị ở các tỉnh bền vững, tập trung vào TPHCM, Hà Nội và 9 cơ sở điều trị sẽ được chuyển giao toàn bộ vào cuối năm thứ 1 dự án; hỗ trợ tăng cường cho cơ sở dịch vụ đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng một chức năng. Tuyến tỉnh là: Nghệ An, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, các yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật khác từ các tỉnh/thành phố.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các can thiệp duy trì người nhiễm HIV trong điều trị thuốc kháng virus ARV tại cơ sở/tỉnh thành phố đang được dự án USAID SHIFT hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ Bộ Y tế đạt được tỷ lệ duy trì điều trị ở một số tỉnh/thành phố thông qua các can thiệp/hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Hướng tới tỷ lệ thất thoát bệnh nhân <5%/năm và <1.25%/quý.

Dự án giúp tăng số người nhiễm HIV bắt đầu điều trị thuốc ARV bằng cách hỗ trợ 3 tỉnh ưu tiên (Nghệ An, Điện Biên, TPHCM); hỗ trợ Bộ Y tế rà soát và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng số bệnh nhân mới điều trị ARV; tìm ca nhiễm mới, nhiễm cũ sử dụng hệ thống thông tin, xét nghiệm HIV do thầy thuốc khởi xướng và kết nối với điều trị, tiếp cận-xét nghiệm-điều trị lưu động (mRTS).

Lĩnh vực ưu tiên nữa là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tạo môi trường thuận lợi để nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận được tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV và điều trị, duy trì điều trị và tăng tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế ở người nhiễm HIV. Cuối cùng là vận động nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV, hướng dẫn kỹ thuật Methadone và sửa Luật Phòng, chống HIV.

Lồng ghép các ưu tiên với mục tiêu 90-90-90

Đặc biệt, dự án sẽ lồng 5 ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật vào mục tiêu 90-90-90 (phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định).

TS. Nguyễn Tố Như cho biết, đó là các ưu tiên hỗ trợ kiện toàn hệ thống y tế và triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm tuyến cơ sở và tuyến tỉnh; duy trì điều trị ARV; tăng số người nhiễm vào điều trị; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tạo môi trường thuận lợi cho đối tượng đích tiếp cận tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị và duy trì điều trị, tăng tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở điều trị HIV (HTF) kiện toàn tại tuyến tỉnh và tuyến cơ sở để đủ điều kiện chi trả theo bảo hiểm y tế; hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; vận động và hỗ trợ tăng các nguồn lực tài chính cho thuốc ARV theo nhu cầu trong bối cảnh cắt giảm tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Để theo dõi, giám sát, đánh giá thông tin chiến lược, dự án theo dõi kết quả khung đa bậc HIV quốc gia và tỉnh hướng tới mục tiêu 90-90-90; xác định nhu cầu, khoảng trống chương trình HIV để cập nhật tỉnh có hành động và can thiệp thông qua phân tích HIV, khung đa bậc HIV và cơ sở dữ liệu điều trị của tỉnh; giúp lồng ghép hệ thống thông tin y tế điện tử để hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế, báo cáo và quản lý ca ngoài 46 cơ sở điều trị HIV đang được dự án hỗ trợ; ước tính và dự báo người nhiễm HIV EPP và ước tính quần thể đích ở một số tỉnh thành phố; hướng dẫn kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến quốc gia nhằm tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát (C03 and C09)…

Trong hoạt động ưu tiên tiếp cận, dự phòng, tư vấn và xét nghiệm HIV, dự án tập trung vào các sáng kiến và hỗ trợ kỹ thuật để tìm kiếm ca bệnh nhằm kết nối các bệnh nhân bị mất dấu trở lại với chăm sóc và điều trị. Giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, xóa bỏ các rào cản để người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận và duy trì chăm sóc và điều trị HIV. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật các Tổ chức Dân sự xã hội xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực.

Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, xác định hoạt động chăm sóc và điều trị HIV và Methadone rất quan trọng, dự án hướng dẫn duy trì điều trị HIV và hỗ trợ kỹ thuật; sửa đổi Thông tư số 32 hướng dẫn chi tiết quy trình điều trị HIV, các mô hình và công cụ, kết hợp hài hòa giữa Luật Khám chữa bệnh và các yêu cầu thanh toán bằng bảo hiểm y tế. Đồng thời, quản lý, theo dõi ca bệnh nhằm giảm thiểu thất thoát bệnh nhân trong quá trình và sau khi chuyển sang thanh toán bằng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ cho các bác sĩ điều trị HIV theo quy định của bảo hiểm y tế; hỗ trợ thực hiện các chuyến tiếp cập-xét nghiệm-điều trị lưu động tại các vùng miền núi xa xôi; hỗ trợ xây dựng đội ngũ giảng viên quốc gia trong lĩnh vực điều trị bằng Methadone; hỗ trợ kết hợp và điều phối hai dịch vụ điều trị Lao và điều trị HIV

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tố Như cho biết, không phải tất cả các yêu cầu hỗ trợ sẽ được nhận từ dự án. Cơ hội để được USAID phê duyệt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của PEPFAR và USAID, đôi khi các ưu tiên có thể thay đổi theo thời gian. Hiện tại, Dự án USAID SHIFT tập trung triển khai các vấn đề “nóng” trong chuyển giao, bảo hiểm y tế cho dịch vụ điều trị HIV, eHIS và duy trì bệnh nhân điều trị ART.

 

Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Hướng tới Chương trình phòng, chống HIV/AIDS bền vững (USAID SHIFT) do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360) thực hiện, trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) là sáng kiến nhằm hỗ trợ các tỉnh ưu tiên đạt được các mục tiêu đặt ra.

Dự án gồm 3 lĩnh lực chủ yếu hoạt động nhằm đạt các mục tiêu: Tăng cường dịch vụ để đạt được các mục tiêu giảm số người mắc, người chết do HIV gây ra tại các tỉnh ưu tiên; chuyển giao và duy trì các cơ sở dịch vụ HIV cho Việt Nam tại 11 tỉnh, bao gồm việc hỗ trợ mở rộng quy mô của bảo hiểm y tế; cho phép các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV tại địa phương yêu cầu và nhận được hỗ trợ kỹ thuật theo nhu cầu, nhằm tăng cường và duy trì các hoạt động phòng, chống HIV ở các cấp quốc gia, tỉnh và cơ sở.
Top