Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS: Nhiều tác động tích cực

25/08/2016 15:55

Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) với sự tham gia của 53 tỉnh/thành phố (vòng hiện tại là 30 tỉnh/thành trọng điểm), đã góp phần cùng Chương trình Mục tiêu quốc gia và các dự án khác tác động rất tích cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho người nhiễm - Ảnh: Thùy Chi

Những chuyển biến trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Trao đổi với Trang tin Tiếng Chuông - Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, PGS.TS Bùi Đức Dương, Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cho biết, dự án đã đi được chặng đường 15 năm kể từ khi bắt đầu dự án năm 2001 (vòng 1), tiếp nối các vòng 6,8,9 và triển khai các hoạt động theo Mô hình viện trợ mới (New Funding Model) được 1 năm. Năm qua là năm tạo tiền đề cho những định hướng phát triển bền vững, hiệu quả, đánh dấu những chuyển biến lớn trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và của dự án nói riêng.

Dự án đã kịp thời điều chỉnh và cập nhật các nội dung hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn mới (2018-2020) phù hợp với các định hướng của quốc gia, hướng tới mục tiêu 90-90-90 Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

Cụ thể, dự án trong giai đoạn mới phải bảo đảm các nguyên tắc, bao gồm: Lựa chọn địa bàn và tổ chức dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị dựa vào mức độ tình hình dịch HIV, dự án sẽ tập trung hỗ trợ cho các can thiệp có tác động mạnh, ảnh hưởng lớn tới dịch HIV tại 30 tỉnh/huyện có tình hình dịch cao và trung bình; kiện toàn lại tổ chức, lồng ghép tối đa các hoạt động dự phòng, điều trị HIV/AIDS vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh chung; lồng ghép lao/HIV; tăng cường kết nối dịch vụ dự phòng, chuẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, bảo đảm tăng cường quản lý nhóm người hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV sớm, xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng sớm, cũng như cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Hơn 75.100 người được hưởng dịch vụ

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều người được hưởng các dịch vụ từ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, giúp cho họ được cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ riêng trong năm 2016, tính đến hết tháng 6, dự án đã xét nghiệm HIV cho 75.109 lượt người (chiếm 8% tổng số người được tư vấn xét nghiệm trên toàn quốc), tập trung cho các đối tượng nguy cơ cao với 2.497 trường hợp HIV dương tính với tỷ lệ dương tính là 3% (tỷ lệ dương tính chung theo báo cáo của quốc gia là 0,9%)...

Đối với hoạt động chăm sóc và điều trị ARV, dự án đang điều trị cho 44.890 người nhiễm HIV, chiếm hơn 40% tổng số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị của quốc gia và cung cấp thuốc cho toàn bộ 4.798 trẻ em đang điều trị ARV trên toàn quốc. Trong tổng số 140 cơ sở điều trị (OPC) do dự án hỗ trợ, đã có 38 OPC hoàn thành việc kiện toàn, 55 OPC đang hoàn thiện thủ tục và 47 OPC chưa được kiện toàn.

Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tại 68 huyện thuộc 26 tỉnh dự án với 61.251 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện nhiễm HIV là 68 người và tính đến hết tháng 6/2016 và 138 phụ nữ mang thai được điều trị ARV, chiếm khoảng 15% trong tổng số phụ nữ mang thai đang được điều trị trên toàn quốc.

Về hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự án triển khai chương trình bơm kim tiêm tại 60 huyện/11 tỉnh, số người nghiện chích ma túy được tiếp vận với chương trình bơm kim tiêm tính đến 30/6 là 12.418 người, chiếm hơn 11% số người tiếp cận toàn quốc.

Chương trình điều trị Methadone triển khai tại 86 cơ sở/26 tỉnh, đang điều trị cho 14.816 bệnh nhân, chiếm hơn 31% bệnh nhân toàn quốc. Chương trình bao cao su được triển khai tại 30 huyện/7 tỉnh, số gái mại dâm tiếp cận với chương trình là 5.294 người, chiếm hơn 18% số người được tiếp cận trên toàn quốc. Hoạt động tiếp thị xã hội bao cao su triển khai tại 19 tỉnh và đã phối hợp hoạt động can thiệp giảm hại với Dự án VUSTA tại 15 tỉnh/thành phố.

Giải pháp đối mặt với những khó khăn, thách thức

Trong thời gian gần đây, do những thay đổi trong chính sách tài trợ, các nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm dần, do đó Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Dự án không còn được hỗ trợ nhân sự tham gia tại địa phương, hạn chế kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở…

Để đối mặt với những khó khăn, thách thức này, PGS.TS Bùi Đức Dương đề nghị các địa phương phải có những giải pháp kịp thời để tìm kiếm, huy động các nguồn lực tại địa phương, nhằm bù đắp các thiếu hụt do dự án ngừng hỗ trợ. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động và sang tạo đưa ra các mô hình cung cấp dịch vụ, bảo đảm tiết kiệm nhân lực, chi phí và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho các đối tượng đích.

Trao đổi về giải pháp giải quyết thách thức này, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhận định, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hiện đang là một trong các dự án viện trợ triển khai các hoạt động can thiệp toàn diện từ dự phòng, can thiệp giảm tác hại tới chăm sóc và điều trị HIV/AIDS…tại 30 tỉnh tình hình dịch HIV/AIDS nặng nề nhất của cả nước. Dự án đang đóng góp nguồn lực cơ bản cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh các nguồn lực viện trợ cũng như kinh phí trong nước cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện đang rất hạn chế.

TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, trong thời gian tới, muốn giải quyết khó khăn, thách thức, các địa phương cần duy trì ổn định các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS… Đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể, điều kiện của mỗi địa phương, mạng lưới tổ chức, mạng lưới quy hoạch, bám sát các văn bản quy bản pháp luật để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Lồng ghép mạng lưới OPC, hiện nay mới lồng ghép được 50%, vì vậy các tỉnh/thành còn lại cần khẩn trương thực hiện lồng ghép sớm. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa tư vấn xét nghiệm HIV và các trường hợp mất dấu. Vì hiện nay, nguồn lực hạn chế, nên cần tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao nhất để tăng tỷ lệ phát hiện.

Ngoài ra, cần sớm triển khai mô hình xét nghiệm dựa vào tuyến cơ sở, các tổ chức vì cộng đồng. Trước đây, dự án có đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên. Tuy nhiên, khi nguồn lực cho công tác bị hạn chế, trong thời gian tới nếu không còn kinh phí cho đội ngũ này, cần phải dựa vào tuyến cơ sở và y tế xã phường, thôn bản để triển khai hiệu quả và duy trì bền vững xét nghiệm HIV.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh can thiệp giảm hại, hiện nay 30 tỉnh/thành phố trọng điểm được dự án hỗ trợ về các hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su. Đẩy mạnh điều trị Methadone vì hiện nay quy trình, thủ tục cho các bệnh nhân muốn tham gia điều trị rất đơn giản, không cần thông qua xã, phường nên các địa phương cần hết sức quan tâm để tiếp tục mở rộng.

Về điều trị ARV, mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã, phường. Hiện toàn quốc đang có khoảng 600 xã, phường triển khai mô hình này, do đó các địa phương cần triển khai, đặc biệt đối với các bệnh nhân ổn định về sức khỏe.

Đồng thời, mở rộng xét nghiệm tải lượng virus theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tiến tới thay thế xét nghiệm tế bào CD4. Dự án cũng cần kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể sẵn sàng điều trị cho người nhiễm HIV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế.

Năm 2017 là năm cuối của dự án nên các địa phương cần đặc biệt lưu ý việc quản lý để có thể đóng dự án một cách thuận lợi.
Top