Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS: Cần chuẩn bị tốt hỗ trợ kỹ thuật

17/03/2016 12:06

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, thời gian tới khi định hướng của Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp (tức hỗ trợ dịch vụ) sang hỗ trợ kỹ thuật cần chuẩn bị tốt lộ trình và nội dung hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, để dự án có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Trong 2 ngày 16-17/3, tại Hà Nội, Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hỗ trợ với mục tiêu nâng cao năng lực dự phòng, điều trị HIV/AIDS và quản lý chương trình được thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị Trung ương và tại 28 tỉnh, thành phố.

Trong năm 2015, có hơn 47.000 người được tiếp cận với chương trình. Tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 63.000 người và phát hiện được 3.677 người nhiễm mới HIV. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đóng góp tới 51% tổng số bệnh nhân đang được điều trị Methadone trên toàn quốc. Điều trị bằng thuốc kháng virus ARV cho 21.332 người. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng đã được triển khai.

Bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Văn phòng CDC tại Việt Nam

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong những năm qua, Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dự án luôn được đánh giá là một trong các dự án hoạt động hết sức hiệu quả không chỉ đóng góp vào kết quả chung của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam mà còn được đánh giá là một trong những điểm sáng trong mối quan hệ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thứ trưởng chỉ đạo, các hoạt động của dự án cần bám sát chủ trương, định hướng và hỗ trợ cho Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Công tác dự phòng cần phải được quan tâm và tập trung hơn nữa, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa vì nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch tại đây rất cao.

Bên cạnh đó, các hoạt động điều trị HIV/AIDS cũng cần hỗ trợ theo hướng Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ chi trả cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế khi tham gia khám và điều trị HIV/AIDS. Dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS thời gian tới sẽ lồng ghép triệt để vào các hoạt động trong ngành y tế và coi nhiễm HIV như nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, do vậy mọi quy trình và thủ tục hành chính cần được cải cách theo hướng đơn giản nhất.

Toàn cảnh hội nghị

Về hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, khi Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV về hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế và Phòng y tế ra đời cũng có rất nhiều Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố quan tâm vì ảnh hưởng đến hệ thống. Tuy vậy, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai, hướng dẫn theo hướng việc thực hiện Thông tư 51 cần có lộ trình và phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương, phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể ngành y tế và năng lực thực tế của hệ thống dự phòng cũng như các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Do vậy Ủy ban nhân dân các tỉnh sẽ cân nhắc và quyết định cụ thể trên cơ sở tham mưu từ chính ngành y tế các địa phương theo hướng có lợi nhất cho chương trình trên tinh thần các chức năng và nhiệm vụ chuyên môn không được cắt giảm.

Bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Văn phòng CDC tại Việt Nam chúc mừng chương trình phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam trong năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bà Paula Morgan khẳng định CDC sẽ tiếp tục đồng hành để hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm tới.

Hiện Việt Nam đang là nước duy nhất trong khu vực được thụ hưởng dự án và dự án sẽ kết thúc vào năm 2018.
Top