Đóng góp hiệu quả của CHAI trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

02/07/2015 15:42

Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton được thành lập năm 2002 đã giúp các bệnh nhân tăng cường tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng cao và hiệu quả nhất với mức chi phí phù hợp. Đồng thời, bảo đảm duy trì sự bền vững ở những quốc gia đang phát triển.

 

Cựu Tổng thống Bill Clinton đến thăm Trung tâm Giáo dục, Lao động, Xã hội 02, ngày 18/7/2014

Sau 13 năm, hiện CHAI đã có mặt ở 38 quốc gia trên khắp thế giới với mục tiêu thay đổi sức khỏe toàn cầu.

Ở Việt Nam, CHAI được thành lập năm 2006, tập trung vào phát triển các dịch vụ y tế dựa trên hệ thống quốc gia sẵn có, thay vì xây dựng một hệ thống song song sẽ ngừng hoạt động khi không còn nguồn kinh phí tài trợ. CHAI vận động Bộ Y tế phát triển các mô hình chăm sóc HIV lấy gia đình làm trung tâm, đem lại các dịch vụ lồng ghép, tiện lợi cho bệnh nhân và mang đến một phương thức bền vững hơn ở Việt Nam. Hoạt động này vẫn đang tiếp tục thông qua giải quyết những thách thức chủ chốt bằng các phương thức sáng tạo.

Đóng góp nổi bật nhất của CHAI là đã hỗ trợ Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, đưa 4.558 trẻ em nhiễm HIV vào điều trị thuốc kháng virus ARV tính đến cuối tháng 12/2014 (chiếm 86% số trẻ nhiễm HIV). Tăng 77% so với thời điểm CHAI mới bắt đầu thành lập vào giữa năm 2006 là 245 trẻ được điều trị (chiếm 9% số trẻ nhiễm HIV).

Trong giai đoạn 2006 – 2011, CHAI đã tài trợ 100% thuốc ARV cho trẻ em và công cụ chẩn đoán sớm cho Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ và điều dưỡng tại 23/63 tỉnh trọng điểm về HIV; tổ chức tập huấn cho hàng nghìn nhân viên y tế về chăm sóc và điều trị, chuỗi cung ứng thuốc, hệ thống xét nghiệm, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dinh dưỡng, dự phòng lao và nhiều nội dung khác.

Từ năm 2013, CHAI hỗ trợ Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và các tỉnh trong việc phân cấp chăm sóc và điều trị cho trẻ em từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh và tuyến quận/huyện, nhằm tăng tỷ lệ bệnh nhân duy trì điều trị, đồng thời giúp  làm giảm chi phí đi lại của bệnh nhân khi đi tái khám và lĩnh thuốc ARV.

Để cải thiện tỉ lệ sống còn của trẻ nhiễm HIV, CHAI đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai chương trình Chẩn đoán sớm (EID) cho trẻ bằng việc xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia về EID, tập huấn cho các nhân viên y tế, cung cấp công cụ ghi nhận và báo cáo.

Hiện tại, chương trình EID được triển khai tại  84 phòng khám ở 55 tỉnh/thành phố, khoảng 1.800 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm hàng năm (8% dương tính) và 79% trẻ chẩn đoán dương tính với HIV được bắt đầu  điều trị ARV. Nếu không có chương trình chẩn đoán sớm  điều trị ARV, 50% trẻ nhiễm HIV sẽ tử vong trong vòng  2 năm đầu đời.

Để giúp làm giảm tỉ lệ mắc lao ở trẻ nhiễm HIV, CHAI đã hỗ trợ chương trình điều trị dự phòng lao bằng isoniazid (IPT) ở trẻ em thông qua việc hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai hướng dẫn quốc gia, tập huấn đào tạo, cung cấp các công cụ giám sát, báo cáo IPT, cung cấp thuốc isoniazid và vitamin B6. Qua đánh giá cho thấy, việc điều trị IPT đã làm giảm tỉ lệ trẻ mắc lao tới 97% đối với trẻ được điều trị cả IPT và HIV so với trẻ không được điều trị. Cho đến nay, phần lớn trẻ đang điều trị ARV đã được điều trị IPT.

Bên cạnh đó, CHAI đã hỗ trợ triển khai chương trình tư vấn xét nghiệm HIV do cán bộ y tế đề xuất (PITC) ở 3 bệnh viện nhi lớn nhất Việt Nam (ở Hà Nội và TP.HCM), nơi đang có số lượng bệnh nhi điều trị ARV đông nhất toàn quốc. Hoạt động này nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em nhiễm HIV nhưng chưa được chẩn đoán sau khi sinh do mẹ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình khi mang thai hoặc khi sinh và những trẻ này chỉ đến bệnh viện khi có triệu chứng liên quan tới HIV. Năm 2013, học tập kinh nghiệm từ chương trình PITC ở trẻ em, CHAI bắt đầu hỗ trợ triển khai PITC ở các bệnh viện đa khoa tỉnh ở một số tỉnh.

Trong vòng 9 năm qua, CHAI đã hỗ trợ các hoạt động  xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam thông qua cải thiện chất lượng, tăng cường hệ thống chuyển gửi mẫu bệnh phẩm, triển khai hệ thống xét nghiệm tại chỗ và giảm thời gian trả kết quả xét nghiệm (TAT). Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV, xét nghiệm CD4 để xác định tiêu chuẩn điều trị và theo dõi điều trị ARV thường quy. Ngoài ra, CHAI đã đàm phán việc giảm giá trang thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, hỗ trợ cung cấp miễn phí sinh phẩm  xét nghiệm nhanh, sinh phẩm xét nghiệm CD4 và sinh phẩm xét nghiệm PCR DNA, và các vật tư liên quan khác thông qua UNITAID.

CHAI cũng hỗ trợ Cục phòng, chống HIV/AIDS triển khai  Hệ thống Tiếp cận Thông tin Chăm sóc (ACIS), một phần mềm qua internet  để gửi tin nhắn SMS qua điện thoại di động để chuyển tiếp bệnh nhân giữa các dịch vụ và nhắc nhở hỗ trợ bệnh nhân đến đăng ký điều trị và tuân thủ điều trị. Hoạt động này giúp làm tăng tỷ  lệ chuyển gửi thành công từ 37% (trên toàn quốc) lên 79% tại 112 cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) và phòng khám ngoại trú. Hiện nay, phần mềm ACIS đang được thực hiện ở trên 300 cơ sở HIV và cơ sở điều trị lao tại 25 tỉnh/thành phố.

Ngày 23/10/2003, Tổng thống Clinton lần đầu tuyên bố giảm ít nhất 30% giá thuốc ARV sau khi thương thảo với các công ty sản xuất thuốc. Những năm sau đó, giá thuốc ARV được giảm hàng năm và nhiều phác đồ ARV có chi phí chưa đến 10% giá ban đầu.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ngày hôm nay (2/7), Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức sang thăm Việt Nam để tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Top