Đồng Nai: Thí điểm xét nghiệm HIV bằng dịch miệng

10/04/2019 15:47

Dự án USAID SHIFT vừa triển khai mô hình xét nghiệm HIV bằng phương pháp dịch miệng (OraQuick HIV Seft Test) tại Ðồng Nai.

 Xét nghiệm tự nguyện cho đối tượng nguy cơ cao nhiễm. Ảnh: TT BTKS tỉnh

Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: Người nghiện chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ đồng giới, vợ chồng hoặc bạn tình của người nhiễm HIV có nhu cầu tự xét nghiệm HIV… có thể đăng ký trực tuyến thông qua đường link  http://bit.ly/DangkytuXN_DongNai để được cung cấp test qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp Khoa HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để nhận test miễn phí.

Sau khi nhận được test xét nghiệm, khách hàng có thể tự thực hiện phương pháp xét nghiệm tại nhà theo hướng dẫn và có kết quả sau 20 phút. Sau khi có kết quả khách hàng phản hồi bằng cách truy cập đường link hoặc thông qua số điện thoại của nhân viên tư vấn.

Thông tin của khách hàng hoàn toàn được bảo mật. Chỉ những cán bộ trực tiếp làm công tác tư vấn mới biết được thông tin của bạn và chỉ với mục đích tư vấn hỗ trợ tiếp tục khi bạn cần.

Dự kiến, mô hình này sẽ cung cấp khoảng 400 test cho khách hàng có nguy cơ cao, sau đó dự án sẽ tiếp tục xem xét giai đoạn tiếp theo.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết tháng 12/2018 tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh là hơn 8,2 nghìn người. Trong đó, có hơn 4,6 nghìn người quản lý được, hơn 2,4 nghìn người đã tử vong.

Trong năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 531 ca nhiễm HIV mới, tăng 232 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 63% số người nhiễm mới HIV do bị lây qua đường quan hệ tình dục ở độ tuổi từ 2 tuổi.

Hiện toàn tỉnh đang điều trị HIV bằng thuốc ARV cho hơn 3,3 nghìn người. Số còn lại hiện đang điều trị ở các tỉnh khác hoặc đã đi khỏi địa phương.

Ngoài việc điều trị bằng ARV, người nghiện ma túy đồng thời nhiễm HIV còn được điều trị bằng thuốc thay thế methadone tại 7 cơ sở điều trị trong tỉnh.

Để quản lý tốt hơn số người nhiễm HIV, tránh lây lan ra cộng đồng, thời gian qua, các ngành chức năng phối hợp với các tổ chức nước ngoài đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao cho người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị methadone, sử dụng mạng xã hội, nhóm cộng đồng để tìm kiếm ca nhiễm mới nhằm đưa vào kết nối và điều trị; triển khai xét nghiệm lưu động tại các khu công nghiệp, trung tâm cai nghiện tỉnh… phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu 90-90-90 tiến tới loại trừ HIV vào năm 2030.
Top