Đồng Nai: Tăng cường đưa vào điều trị các ca nhiễm HIV mới

10/06/2019 17:25

TS.BS. Nguyễn Tố Như, Giám đốc dự án USAID SHIFT cho biết, mục tiêu của dự án trong năm 2019 là đưa vào điều trị 1.069 người nhiễm mới. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm nay toàn tỉnh mới đưa vào điều trị được 239 người, đạt 22%, còn khoảng 830 người nữa phải được đưa vào điều trị.

 Nhân viên y tế tại Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc tư vấn điều trị cho những người nghiện ma túy, nhiễm HIV. Ảnh: TT KSBT Đồng Nai

Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải phối hợp với Dự án tham mưu Sở Y tế ban hành khung hành lang pháp lý để huy động cộng đồng cùng tham gia với ngành Y tế nhằm hoàn thành mục tiêu 90-90-95 trong năm 2019.

Dự án USAID SHIFT phối hợp Sở Y tế Đồng Nai vừa triển khai kế hoạch tăng cường tiếp cận tìm ca nhiễm HIV mới, mất dấu, bỏ trị để đưa vào chương trình điều trị ARV nhằm thực hiện mục 90-90-95 tại Đồng Nai.

Theo đó, việc tìm kiếm ca nhiễm mới HIV không chỉ dừng lại ở các cơ sở Y tế, nhân viên y tế hay nhân viên tiếp cận cộng đồng mà tất cả người dân đều có thể tham gia vận động người nhiễm HIV vào chương trình điều trị. Mỗi ca kết nối thành công vào điều trị ARV sẽ được hỗ trợ kinh phí từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng.

Mục tiêu của dự án USAID SHIFT là trong năm 2019 đưa vào điều trị 1.069 người nhiễm mới; trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới đưa vào điều trị được hơn 200 người, đạt 22%. Vậy vẫn còn khoảng 830 trường hợp nữa thì Đồng Nai mới hoàn thành được 2 mục tiêu đầu là 90% người nhiễm ngoài cộng đồng được phát hiện và 90% người nhiễm được đưa vào điều trị.

Đồng Nai là 1 trong 6 tỉnh thành phía nam được chọn là đối tác của dự án nhằm hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% người được điều trị ARV có tải lượng virus được ức chế) vào năm 2020.

Dự án chọn triển khai tại 3 địa phương là TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh và huyện Long Thành, với mục tiêu từ nay đến hết năm 2019 sẽ tiếp cận khoảng 7.000 người có nguy cơ cao, xét nghiệm cho 14.250 người, phát hiện mới khoảng 499 người và điều trị mới cho khoảng 1.069.

Các hoạt động chủ yếu bao gồm: Thành lập các nhóm cộng đồng để tìm kiếm các ca nhiễm mới; xây dựng các mô hình tư vấn xét nghiệm chủ động (bao gồm cố định, tại cộng đồng, oline…tạo sự kết nối giữa xét nghiệm và điều trị bảo đảm bệnh nhân được điều trị trong vòng 24 tiếng hoặc chậm nhất là 72 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định ( ) HIV); xét nghiệm đo tải lượng virus định kỳ cho bệnh nhân tại các cơ sở điều trị. Dự án cũng sẽ hỗ trợ Đồng Nai tìm kiếm 1.213 người nhiễm còn sống nhưng chưa được đưa vào điều trị, đồng thời phối hợp với TP.HCM chuyển gửi khoảng 1.200 bệnh nhân có hộ khẩu tại Đồng Nai nhưng đang điều trị tại TPHCM.

Đồng Nai hiện đang có 3 dự án hỗ trợ là Quỹ toàn cầu (hỗ trợ chương trình can thiệp giảm hại và thuốc ARV), dự án AHF (hỗ trợ chăm sóc điều trị cho bệnh nhân trong trại giam) và dự án HFG (hỗ trợ kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS).
Top