Đồng Nai: Chú trọng đổi mới công tác chăm sóc, điều trị HIV

18/05/2016 17:04

Nhờ chương trình điều trị ARV, nhiều người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phục hồi được hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người đã lập gia đình, sinh con không bị nhiễm HIV.

Hướng dẫn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 75 người nhiễm HIV mới, 17 người đã chuyển qua giai đoạn AIDS và 6 người đã tử vong do AIDS. So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới giảm 8 ca, số bệnh nhân chuyển sang AIDS giảm 1 ca và số người tử vong tăng 2 ca.

Trong số nhiễm mới, nam giới chiếm 76%, nữ giới chiếm 24%; tỷ lệ nhiễm HIV năm 2016 phát hiện lây truyền qua đường tình dục cao nhất (chiếm 37,3%). Tiếp đến là số người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu (chiếm 36%), thấp nhất là đường lây truyền mẹ con (2,9%). Tỷ lệ người nhiễm HIV là người nghiện chích ma túy vẫn chiếm 34,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 40,2%.

Kể từ khi phòng khám và điều trị ngoại trú HIV/AIDS đầu tiên được thành lập tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã điều trị cho 2.200 người nhiễm HIV, trong đó có đến 47% số người nhiễm HIV được điều trị ARV đáp ứng thuốc.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, chăm sóc, điều trị cho những người nhiễm HIV, đồng thời cũng chú trọng công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu như trước đây việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ở tuần thứ 21, sau đó giảm xuống còn 18 rồi tuần 14 của thai kỳ, thì hiện nay việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ngay khi phụ nữ mang thai có kết quả dương tính với HIV, không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng, tế bào CD4 và các giai đoạn của thai kỳ.

Chính vì được tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ nên nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã chị may mắn sinh con không bị nhiễm HIV.

Chị H tâm sự, khi đi khám thai mới biết mình nhiễm HIV. Chị đã hoàn toàn suy sụp tinh thần, nhưng nghĩ đến con, chị đã nghe theo lời bác sĩ tham gia điều trị ARV ngay từ sớm nên con chị đã may mắn không bị nhiễm HIV.

Một trong những điểm mới khác trong điều trị ARV, là vừa qua tỉnh cũng đã triển khai phương pháp điều trị 3 trong 1 bao gồm: điều trị ARV, Methadone, lao. Việc kết hợp các loại thuốc điều trị chỉ bằng một viên duy nhất đã giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn.

Mặc dù, số người nhiễm mới hàng năm đã giảm, tuy nhiên số lượng người nhiễm HIV lũy tích vẫn không ngừng gia tăng. Để tất cả những người nhiễm HIV có thể tham gia điều trị ARV, tỉnh đã triển khai cấp phát thuốc ARV tại tuyến xã, phường.

Theo đó, các xã, phường có từ 10 bệnh nhân đang điều trị ARV tại các phòng khám được triển khai một điểm cấp phát thuốc tại trạm y tế. Qua đó giúp bệnh nhân hạn chế được việc đi lại, giảm tải cho các phòng khám và điều trị ngoại trú, giúp cho những bệnh nhân ở xa trung tâm vẫn được tiếp cận điều trị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình điều trị trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số  khó khăn, hạn chế như: thiếu kinh phí mua test xét nghiệm cho phụ nữ mang thai. Nhiều phụ nữ mang thai chưa có thói quen khám thai định kỳ nên việc phát hiện HIV ở phụ nữ mang thai đa số ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Một số cơ sở y tế chưa thực sự quan tâm đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Ngoài ra, việc đi lại khó khăn do nhiều người nhiễm HIV ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được điều trị hoặc được điều trị ở giai đoạn muộn. Việc kỳ thị phân biệt đối xử cũng là rào cản lớn khiến cho người nhiễm HIV không được tiếp cận với thuốc ARV. Đặc biệt, việc cắt giảm mạnh nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV là những thách thức lớn đối với công tác này trong thời gian tới.
Top