Đồng Nai: 90% phụ nữ mang thai được tư vấn, sàng lọc HIV từ mẹ sang con

25/06/2019 13:30

Tình đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã triển khai rộng khắp các điểm về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. 90% phụ nữ mang thai trên toàn tỉnh đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV từ mẹ sang con; trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được tiến hành xét nghiệm PCR (chẩn đoán nhanh từ giọt máu khô).

 Tư vấn về lợi ích của việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại BV ĐK Đồng Nai. Ảnh: TT KSBT Đồng Nai

Sau 10 năm thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Đồng Nai đã đạt được những kết quả rất tích cực. Số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV ngày càng tăng, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ.

Ngay từ những ngày bắt đầu triển khai, Đồng Nai đã thực hiện ở tất cả các khoa sản trên địa bàn tỉnh (11 khoa sản của bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 2 khoa sản bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản) với tổng cộng là 14 điểm.

Khi có kết quả sàng lọc dương tính tại các cơ sở y tế trên sẽ chuyển mẫu về làm xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đối với phụ nữ mang thai khi có kết quả dương tính bắt đầu vào lúc chuyển dạ sẽ được điều trị ngay và bé sinh ra được uống 6 tuần siro dự phòng.

Những phụ nữ nhiễm HIV sẽ được tư vấn, được áp dụng các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh và chăm sóc trẻ.

Nhờ tuân thủ điều trị, nhiều phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn một số tồn tại như phụ nữ mang thai làm xét nghiệm trong thời gian đầu của thai kỳ thấp và dẫn đến tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính lúc chuyển dạ cao.

Nguyên nhân chính là phụ nữ mang thai những tháng đầu của thai kỳ chủ yếu đi khám ở phòng mạch tư nhân, trong khi đó tại những phòng mạch này không tư vấn để đi làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV bị mất dấu sau khi sinh: những phụ nữ này có hộ khẩu sống ở các tỉnh khác, đến Đồng Nai làm việc khi đi sinh đăng ký theo hộ khẩu. Sau khi xuất viện, một số phụ nữ có kiểm tra  HIV dương tính đã không quay lại các cơ sở y tế để được tư vấn về điều trị cho mẹ và bé.

Để chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng đến loại trừ HIV từ mẹ sang con trong thời gian tới, phải tập trung truyền thông về lợi ích cao cả, nhân văn của, địa phương tập trung những hoạt động phát hiện sớm bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Đối với dự phòng tốt thì việc tăng cường trách nhiệm của nam giới trong việc bảo vệ gia đình không bị nhiễm HIV là rất quan trọng để phòng lây nhiễm HIV cho vợ. Địa phương khuyến khích cộng đồng tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện để phát hiện sớm nhiễm HIV, nhất là các cặp vợ chồng nên xét nghiệm HIV trước khi kết hôn, bà mẹ trước khi có thai cũng cần xét nghiệm HIV để đảm bảo mang thai an toàn cho con…

HIV/AIDS hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng, hằng năm tại Đồng Nai với trên 200 ca nhiễm mới, gây tác động rất lớn đến sức khỏe, kinh tế - xã hội, trong đó nhóm người có hành vi nguy cơ vẫn ở mức cao. Việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt là tại các cơ sở y tế là cần thiết để đạt mục tiêu 90-90-90 và chấm dứt AIDS vào năm 2030 của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết tháng 12/2018 tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh là hơn 8,2 nghìn người. Trong đó, có hơn 4,6 nghìn người quản lý được, hơn 2,4 nghìn người đã tử vong.

Trong năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 531 ca nhiễm HIV mới, tăng 232 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 63% số người nhiễm mới HIV do bị lây qua đường quan hệ tình dục ở độ tuổi từ 2 tuổi.

Hiện toàn tỉnh đang điều trị HIV bằng thuốc ARV cho hơn 3,3 nghìn người. Số còn lại hiện đang điều trị ở các tỉnh khác hoặc đã đi khỏi địa phương. Ngoài việc điều trị bằng ARV, người nghiện ma túy đồng thời nhiễm HIV còn được điều trị bằng thuốc thay thế methadone tại 7 cơ sở điều trị trong tỉnh.

Top