Độ chính xác của kết quả xét nghiệm HIV

18/06/2014 13:00

Tôi xét nghiệm nhanh HIV vào thời điểm khoảng 2 tháng 20 ngày, kết quả âm tính. Liệu có chính xác, nếu chính xác khoảng bao nhiêu phần trăm? Xét nghiệm ở trung tâm y tế huyện liệu có đảm bảo không?

Ảnh minh hoạ

Trả lời:

Thực tế xét nghiệm nhanh HIV là một xét nghiệm đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp cũng như chuyên môn cao của người thực hiện. Ở các quốc gia phát triển khác như Mỹ, phương pháp này được phát triển như một dạng xét nghiệm tại nhà tương tự que thử thai vậy.

Nói như vậy để thấy rằng, xét nghiệm tầm soát HIV bằng xét nghiệm nhanh rất ít khi sai sót về mặt kỹ thuật. Mặt khác, trên kết quả luôn có vạch chứng, nhằm xác định chất lượng mẫu máu là đạt tiêu chuẩn. Sau khi hiện vạch chứng, nhân viên xét nghiệm mới đọc đến kết quả âm tính hay dương tính với kháng thể kháng HIV.

Mặt khác, các tuyến cơ sở được cấp phép thực hiện xét nghiệm tầm soát HIV cũng được kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo đúng quy trình thực hiện về cả phương diện kỹ thuật lẫn quy trình tư vấn và bảo mật.

Về kết quả xét nghiệm âm tính và độ tin cậy của kết quả. Chắc hẳn anh cũng biết về thời kỳ cửa sổ của xét nghiệm HIV. Đây là khoảng thời gian mà các xét nghiệm tìm kháng thể (như xét nghiệm nhanh mà anh đã sử dụng) không thể phát hiện kháng thể kháng HIV. Như vậy, kết quả trả lời sẽ là âm tính bất chấp thực tế rằng người đó có thể đã nhiễm HIV.

Khoảng thời gian cửa sổ thông thường là 3 tháng, do vậy, kết quả âm tính thường được diễn giải là “người này không nhiễm HIV, tính từ thời điểm 3 tháng trở về trước”. Do vậy, nếu trong khoảng thời gian 3 tháng trước khi xét nghiệm, anh có hành vi nguy cơ, thì anh cần thực hiện lại xét nghiệm thêm một lần nữa để khẳng định. Thời điểm làm lại xét nghiệm có thể canh đúng 3 tháng tính từ lần cuối có hành vi nguy cơ, hoặc có thể thực hiện sau 3 tháng tính từ lần xét nghiệm này. Điều này tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của người tham gia xét nghiệm.

Xét nghiệm nhanh với HIV có độ nhạy rất cao 95-99% và được xem như một xét nghiệm sàng lọc nhằm “giết lầm hơn bỏ sót”. Do vậy, nếu có kháng thể kháng HIV đủ để phát hiện (sau thời kỳ cửa sổ), khả năng bỏ sót là rất thấp.

Hiện nay, nhân viên y tế có thể khuyến khích khách hàng làm lại xét nghiệm sau 4 đến 6 tuần nếu thấy kết quả âm tính còn mơ hồ. Làm như thế nhằm phát hiện sớm hơn các trường hợp nhiễm HIV.

Mặt khác, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nên tham gia xét nghiệm kiểm tra định kỳ HIV mỗi 6 tháng nếu người này duy trì hành vi quan hệ tình dục bất chấp có sử dụng bao cao su hay không. Sở dĩ như thế là vì đường lây HIV qua quan hệ tình dục có khuynh hướng tăng và ưu thế trong giai đoạn gần đây.

 

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ

Top