Điều trị sớm HIV làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm

13/10/2014 13:00

Với đề án “Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa” vừa phê duyệt, TP.HCM quyết tâm phấn đấu sau 10 đến 15 năm sẽ không còn người nhiễm mới HIV để tiến tới kết thúc đại dịch trên địa bàn thành phố.

Điều trị nhiễm HIV sớm sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân-Chánh Văn phòng Ủy ban phòng, chống AIDS TP.HCM cho biết, tính cho đến thời điểm hiện tại, TP.HCM phát hiện hơn 48.000 người nhiễm HIV. Theo quy định của Bộ Y tế, một người nhiễm HIV muốn được đưa vào điều trị ARV miễn phí thì xét nghiệm tế bào CD4 phải ở mức dưới 350.

Căn cứ theo tiêu chuẩn đó, hiện 35 phòng khám ngoại trú ở các bệnh viện, khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận-huyện, các trung tâm chữa bệnh và các trại tạm giam đang điều trị ARV cho 23.800 bệnh nhân, chiếm gần 48% trên tổng số người nhiễm. Điều này cho thấy, hơn 50% người nhiễm HIV chưa được can thiệp, điều trị còn lại là một trong những nguy cơ tiềm ẩn việc lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính vì vậy, TP.HCM đưa ra chương trình điều trị sớm để nhắm vào những trường hợp có khả năng tài chính, tự chữa trị và nhóm đối tượng không thích sử dụng chương trình điều trị miễn phí bởi sợ bị nhiều ràng buộc, trong khi họ có khả năng để tự chi trả. “Với đề án mới này, tất cả người nhiễm HIV đều được điều trị ARV sớm theo phương thức tự nguyện, tự chi trả chi phí tại các phòng khám ngoại trú thí điểm của đề án”, bác sĩ Vân cho biết.

Hiện nay, TP.HCM đang chuẩn bị các thủ tục, cơ sở vật chất, hệ thống cung ứng thuốc ARV theo giá ưu đãi, tập huấn cho cán bộ… Dự kiến, vào đầu năm 2015, TP bắt đầu triển khai thí điểm tại 4-5 phòng khám. Ở giai đoạn 2016-2018, đề án sẽ được mở rộng tại các cơ sở chăm sóc điều trị, các quận-huyện. Như vậy, người nhiễm HIV chưa thuộc đối tượng được điều trị trong chương trình theo quy định của Bộ Y tế có thể đăng ký tham gia điều trị theo phương thức tự trả chi phí.

Đây là một tin vui cho những người nhiễm HIV, bởi thực tế kết quả của một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu các bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị sớm, khi mà hệ thống miễn dịch của họ vẫn còn tương đối khỏe mạnh, có thể giảm đến 96% nguy cơ nhiễm HIV sang bạn tình.

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, việc điều trị HIV phụ thuộc vào số lượng tế bào T miễn dịch CD4, một phương pháp đo sức mạnh của hệ thống miễn dịch. Khi tiến trình bệnh bắt đầu, các tế bào CD4 bắt đầu giảm. Bắt đầu tiến hành điều trị khi số lượng CD4 đếm được trong mỗi ml3 máu của người nhiễm HIV từ 350-500 và cần phải điều trị ngay cho những người có CD4 đếm được dưới 350.

Bên cạnh đó, uống thuốc điều trị virus sớm không chỉ làm giảm tốc độ phát triển của virus trong người đã nhiễm mà còn giúp bạn tình của họ khó hoặc lâu bị lây nhiễm HIV.

Bác sĩ Vân cho biết thêm, khi tham gia điều trị tự nguyện, người nhiễm HIV được cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm theo dõi tình trạng miễn dịch, các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội và những thuốc điều trị.

Đề án thí điểm điều trị sớm này được huy động nguồn lực từ các nhà sản xuất dược phẩm trong nước cùng tham gia hoạt động xã hội, trợ giá thuốc và bán với giá ưu đãi bằng 1/3 giá thị trường. Cho nên ước tính, ở giai đoạn 2014-2015, bình quân mỗi bệnh nhân sẽ chi trả từ 12.000 đến 22.000 đồng/ngày, tùy theo phác đồ điều trị gồm tiền khám, thuốc, chi phí xét nghiệm.

Từ năm 2016 trở đi, khi không còn các nguồn tài trợ của quốc tế, bệnh nhân phải chi trả thêm chi phí xét nghiệm CD4, do vậy chi phí sẽ tăng lên từ 14 ngàn đến 24.000 đồng/ngày...
Top