Điều trị HIV cho trẻ em: Cần sự góp sức từ cộng đồng

29/11/2015 12:15

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có khoảng 400 trẻ em là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, trong đó 54 trường hợp bị nhiễm HIV, số lượng này chắc rằng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Việc chú trọng công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em, những mầm xanh tương lai đang nhiễm AIDS đã được đặt ra một cách nghiêm túc.

CLB Bảy Sắc Cầu Vồng-Bình Dương truyền thông và trao quà cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV. Ảnh: Tống Nam

Với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người dân về HIV/AIDS cũng tích cực hơn. Tuy nhiên, để tư vấn và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thành công là một vấn đề khó khăn, đặc biệt, đối với trẻ em. Bởi số người nhiễm HIV đang ngày càng gia tăng cùng với nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý và điều trị cũng ngày một tăng, trong khi đó, hệ thống chăm sóc và điều trị cho trẻ nhiễm HIV còn thiếu; sự phối hợp chuyển tuyến chuyển tiếp giữa các cơ sở y tế và các dịch vụ xã hội chưa chặt chẽ, cán bộ chăm sóc điều trị AIDS cho trẻ còn thiếu, chưa được đào tạo, khó khăn trong tuân thủ điều trị

Được điều trị ARV tại phòng khám, nhiều cháu có sức khỏe tốt. Nhiều cháu đã đến tuổi đi học và được đi học. Tuy nhiên, việc tư vấn điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS là hết sức khó khăn, bởi hầu hết các trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ, phần lớn trong hoàn cảnh bố chết, hoặc mẹ chết, có cháu thì cả bố và mẹ đều chết, sống cùng ông bà, cô dì, chú bác, tâm sinh lý trẻ lại chưa phát triển hoàn chỉnh.

Để điều trị hiệu quả, các bác sĩ, điều dưỡng phải hướng dẫn cặn kẽ cho trẻ và người nhà trẻ về mục đích của điều trị ARV, việc tuân thủ điều trị ARV, hướng dẫn cách phòng lây nhiễm HIV cho người khác, cách ăn uống hợp lý, vệ sinh cá nhân, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, hướng dẫn cách xử lý đối với tác dụng phụ của thuốc ARV, hướng dẫn cách xử lý các bệnh nhiễm trùng cơ hội, hướng dẫn làm các xét nghiệm định kỳ như CD4 … Có những trường hợp đặc biệt các bác sĩ, điều dưỡng phải động viên việc lĩnh thuốc đúng hẹn để tránh trường hợp kháng thuốc…

Một trong những khó khăn nữa là cán bộ trực tiếp điều trị cho trẻ nhiễm HIV chủ yếu là kiêm nhiệm nên phải thu xếp thời gian để tham gia điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Kinh phí điều trị cho trẻ em nhiễm HIV đang giảm dần, chủ yếu ưu tiên vào việc cung cấp thuốc ARV và một số xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS trong xã hội vẫn còn nặng nề, do vậy nhiều gia đình đã dấu diếm hoặc đưa trẻ đi nơi khác sinh sống, gây khó khăn cho công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị.

Từ những khó khăn trên, chúng ta đều biết điều trị ARV là một phần trong tổng thể các dịch vụ chăm sóc, dinh dưỡng, hỗ trợ y tế, tâm lý và xã hội cho trẻ nhiễm HIV/AIDS, việc này cần sự chung tay hợp tác từ chính bản thân các trẻ em nhiễm HIV, người nhà trẻ em nhiễm HIV, đến bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng xã hội.

Top