Điện Biên: Gồng mình chống chọi với đại dịch HIV/AIDS

12/12/2014 16:26

4.092 đối tượng HIV, 1.814 người AIDS. Đây là số đối tượng có hồ sơ quản lý. Tỉnh Điện Biên đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch HIV/AIDS.

 

Kim tiêm chất đầy bên đường vào bản

Từ nghiện ma túy

Ở tỉnh Điện Biên, sẽ không có con số chính xác phản ánh về số người nghiện ma túy. Đối tượng này luôn biến động từng ngày. Nhiều năm nay, cơn lốc ma túy đã luồn lỏi, thâm nhập vào từng ngõ bản, cạy vách vào từng nhà. Và, "nó" như con ma "nhập" vào đầu người già, trẻ nhỏ, đàn ông, đàn bà. Ma túy đã gây hậu họa khôn lường cho không biết bao nhiêu gia đình trên đất Điện Biên.

Thanh Luông là xã giáp biên giới nước bạn Lào, tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy ở đây nhiều vào diện nhất, nhì huyện Điện Biên. Thiếu tá Lò Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác an ninh xã Thanh Luông, cho biết: Toàn xã hiện có trên 100 đối tượng nghiện ma túy trong diện quản lý, gần 100 đối tượng đang thụ án. Nhiều gia đình cả bố, mẹ, con đều nghiện. Thậm chí, nhà có 3, 4 người thì tất cả đều nghiện ma túy.

Thiếu tá Tiến đưa chúng tôi vào bản, anh dặn: Đi giữa đường, đừng đi ra bãi cỏ, phải tránh không được bước vào những đống lá khô trên đường, đề phòng dẫm phải kim tiêm.

Đúng như vậy, mới vào đầu bản, nhìn hai bên đường đã thấy la liệt xi lanh, kim tiêm. Có những kim tiêm còn dính máu.

Chị Quàng Thị Phương, y tế thôn bản cho biết: Để hạn chế việc các đối tượng dùng chung kim tiêm, bản nào cũng có thùng đựng kim tiêm miễn phí treo ở đầu bản. Mỗi đêm bỏ vào thùng 40 - 50 kim, sáng hôm sau hết không còn cái nào. Thế mới biết số người nghiện ma túy nhiều như thế nào.

Tệ nạn ma túy ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo không thua kém xã Thanh Luông. Năm 2013, Chiềng Sinh chỉ có 70 người nghiện ma túy, năm 2014 con số này đã tăng lên 105 người. Đây là số đối tượng có hồ sơ quản lý. Thực tế, trong xã có bao nhiêu người nghiện ma túy thì không thể biết được chính xác. Trong số nghiện, không ít người mới 15 - 16 tuổi.

Cũng ở Tuần Gíao, xã Chiềng Đông được liệt vào đầu bảng danh sách có người nghiện nhiều nhất, nhì huyện. Toàn xã có 1.010 hộ, hơn 5.000 khẩu, trong khi đó số đối tượng nghiện lên đến con số gần 250 người, so với năm 2013, tăng 140 người. Tệ hại hơn, trong xã lại có tới 26 tụ điểm nằm trong "danh sách đen" vì có dấu hiệu mua bán, tàng trữ ma túy.

Trên đây chỉ là điểm qua một vài xã đã thấy rợn người. Trong khi đó, có những bản, tỷ lệ hộ có người nghiện ma túy chiếm tới 60 - 70%. Cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở Điện Biên đã triển khai các hình thức, biện pháp cai nghiện (cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bằng methadone), nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. Huyện Điện Biên Đông, năm 2014, tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 370 người, tại các xã Chiềng Sơ, Na Son... sau cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện là 100%. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống ma túy ở Điện Biên còn rất cam go, quyết liệt.

Đến đại dịch HIV/AIDS

Ma túy - HIV - AIDS là "cây cầu" nối liền với nhau. Đại dịch HIV/AIDS đã "vò nát" biết bao gia đình. Có những bản được gọi bằng cái tên: "Bản không chồng", nghe đến quặn lòng. Ở xã Thanh Luông có gần 100 người (có cả nữ) nhiễm HIV. Số này đều ở độ tuổi 20 - 30. Cá biệt có một số người dưới 20 tuổi, đang là học sinh. Số người chết đã vượt quá con số 30. Hàng chục trường hợp khác chết vì AIDS, nhưng gia đình chỉ báo cáo là tử vong do ốm đau.

Ông Lò Văn M. có 3 người con trai, thì cả 3 đều bị HIV, người con thứ hai đã chết vì AIDS. Hai người còn lại đã "cầm trong tay" giấy khai tử. Hộ ông Nguyễn Văn K. chỉ có hai bố con, nhưng cả hai đều đã lâm vào cảnh sự sống tính từng ngày vì trong người mang căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Điều đáng báo động là ở Thanh Luông đã phát hiện 9 phụ nữ mang thai dương tính với HIV. Thảm họa này có giáng xuống sự sống của những đứa trẻ sơ sinh?

Chúng tôi đến xã Luân Giới, huyện Điện Biên Đông. Xã này có gần 1.100 hộ, chiếm trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Ma túy mới "vào" Luân Giới chưa đến chục năm, nhưng "nó" đã lôi cuốn, mê hoặc hàng trăm thanh niên trai tráng đi vào con đường nghiện ngập. Để rồi, "con" HIV/AIDS đã "cấu xé", "vò nát" từng người. Năm 2008, số người nhiễm HIV còn đếm trên đầu ngón tay, nay trong xã đã có 176 người nhiễm HIV và trên 70 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Người dân ở đây chưa biết thế nào là HIV/AIDS. Họ cũng chưa được tiếp cận với các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Một con số kinh hoàng: từ năm 2008 - 10/2014, xã Luân Giới có 155 người chết vì HIV/AIDS. Trong đó trên 90% là đàn ông, trụ cột của gia đình. Người dân bản Giói nói rằng, có tuần trong xã có 3 - 4 người chết vì AIDS. Mới đây, trong xã có 5 người chết vì AIDS. Đàn ông cứ dắt tay nhau "đi" xuống Âm phủ, để lại đàn bà con gái, trẻ nhỏ bơ vơ, côi cút, sống trong cảnh nghèo khó.

Đến các xã, bản đồng bào dân tộc Mông và ở xã, bản vùng núi cao, kinh tế còn trong diện "đặc biệt khó khăn", mới thấy tệ nạn ma túy, HIV/AIDS bủa vây, cào xé, tàn phá bản làng, làm cho đời sống đồng bào đến khuynh gia bại sản. Biết dính vào ma túy là nghèo khổ, bị HIV/AIDS là chết, nhưng có mấy người "dứt" được ra đâu. Khi mà tệ nạn mua bán, tàng trữ ma túy vẫn còn tồn tại thì tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vẫn còn "đất" để tồn tại, phát triển. Và, Điện Biên vẫn phải gồng mình chống chọi với đại dịch HIV/AIDS.

Top