Điện Biên: Cần chú trọng các mục tiêu ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS

16/03/2015 16:39

Để có thêm thông tin chuẩn bị cho việc lập kế hoạch của Cơ quan cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFAR) năm 2015, đoàn công tác gồm lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), các chuyên viên cấp cao của USAID và các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Cộng đồng (CCRD) đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh tỉnh Điện Biên.

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Điện Biên - Ảnh KT

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Điện Biên là tỉnh nghèo, 90% ngân sách do Trung ương hỗ trợ. Hiện tỉnh có tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS cao thứ 3 trên cả nước. Với gần 7.530 trường hợp nhiễm HIV, tỉnh Điện Biên là địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV trên 1 vạn dân cao nhất cả nước; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 107/130 xã, phường trong tỉnh phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Điện Biên còn là điểm nóng về tình trạng nghiện ma túy với hơn 9.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tính đến tháng 7/2014). Vì vậy, tỉnh rất cần các nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS để nâng cao năng lực hệ thống và cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận định, tình hình dịch HIV/AIDS ở Điện Biên mặc dù có giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn là tỉnh có tỷ lệ nhiễm rất cao trong nhóm nghiện ma túy, nhóm bạn tình người nghiện, phụ nữ mang thai và phụ nữ sinh đẻ.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Điện Biên còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, dịch HIV có thể bùng phát bất cứ nào nếu không tiếp tục có sự đầu tư thích đáng trong dự phòng và điều trị HIV. Vì vậy, thời gian tới tỉnh cần chú trọng các mục tiêu ưu tiên của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới để đạt được các mục tiêu đã cam kết như mục tiêu “ba không” và mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV phải được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút thấp<1000 HIV/ml máu).

Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Điện Biên cũng cần tăng cường cung cấp dịch vụ đến các Phòng khám đa khoa khu vực hoặc các cụm xã theo mô hình tiếp cận Điều trị 2.0 để tăng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao và người nhiễm HIV.

Dưới sự tài trợ của PEPFAR và thông qua các tổ chức FHI 360, CCRD, hiện Mường Chà là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh đang cung cấp dịch vụ 3 trong 1, bao gồm dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị thuốc kháng HIV (ARV) và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Tuy nhiên, vì địa bàn huyện Mường Chà rất rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc tiếp cận dịch vụ của các nhóm đối tượng còn hạn chế nên các tổ chức dựa vào cộng đồng cần tiếp tục tham gia tích cực và có những sáng tạo vận dụng những mô hình hiệu quả của các địa phương khác để thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tiếp cận cộng đồng…

Top