Đề xuất giảm độ tuổi xét nghiệm HIV tự nguyện từ 16 xuống 15 tuổi

23/10/2020 11:35

Mặc dù ủng hộ kiến nghị bổ sung quy định này, nhưng đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu vấn đề, phải làm thế nào để không gây ra hậu quả tiêu cực nếu trẻ phát hiện nhiễm HIV.

 

 Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Sáng ngày 23/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống chống HIV/AIDS, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung Luật giảm độ tuổi được quyền được tự nguyện xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, vấn đề quan hệ tình dục trong giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai. Trong đó có khoảng 60% đến 70 % là học sinh, sinh viên từ 15 đến 19 tuổi.

Bộ Y tế đã thống kê số liệu HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi đang tăng gấp 3 lần so với trước đây. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Ban soạn thảo đã đề xuất giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV từ 16 tuổi xuống 15 tuổi. Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đa phần các cháu không muốn nói với cha mẹ việc đi xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, quy định rất rõ là sau khi xét nghiệm thì đơn vị, cơ quan xét nghiệm có trách nhiệm phải thông báo cho bố mẹ hoặc người giám hộ đối với tất cả trẻ từ 18 tuổi trở xuống.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu quốc hội Lê Thị Yến bày tỏ sự đồng tình với quy định mới này. Bà Yến cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trẻ em đang có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trẻ không dám tiết lộ, thông báo với bố mẹ, gia đình về nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, việc để trẻ chủ động đi xét nghiệm sớm sẽ bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của mình và khắc phục tồn tại trong công tác phòng, chống HIV.

Tuy nhiên, bà Yến đặt vấn đề, trẻ dưới 18 tuổi đang ở độ tuổi phát triển tâm sinh lý, trong trường hợp trẻ nhận kết quả dương tính sẽ dễ đẫn tới suy nghĩ cực đoan, có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm.

“Dự luật cần xem xét khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì quy định sẽ thông báo với gia đình như thế nào? Có quy trình tư vấn với các em ra sao?”, đại biểu quốc hội tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số trẻ em cơ nhỡ là đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV nhưng chưa có quy định bảo trợ đối tượng này trong phòng, chống lây nhiễm HIV. Bà Yến đề nghị bổ sung quy định xét nghiệm HIV tự nguyện với đối tượng này. Trong trường hợp này, các tổ chức có thể đứng ra bảo lãnh đối với trẻ dưới 15 tuổi.

Về việc xét nghiệm HIV đối với người nguy cơ cao, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị quy định bao quát hơn các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ trong quan hệ tình dục đồng tính thì không chỉ có đồng tính nam mà cả đồng tính nữ cũng có nguy cơ lây nhiễm.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị có quy định xét nghiệm HIV bắt buộc đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo bà, hiện nay xã hội đã có nhận thức tốt về căn bệnh này, người bị nhiễm đã không còn bị kỳ thị và bản thân họ cũng ý thức rất tốt. Do đó, cần xét nghiệm đối với với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Xét nghiệm tốt sẽ phát hiện sớm, điều trị tốt, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Top