Để người nhiễm HIV/AIDS không “thờ ơ” với BHYT

24/03/2015 16:42

Trong tương lai, thuốc điều trị HIV/AIDS do các tổ chức nước ngoài viện trợ sẽ bị cắt giảm, thay vì được khám và điều trị miễn phí thì những người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải tự mình chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với những người nhiễm HIV, vì vậy nguồn hỗ trợ tài chính thay thế từ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nhiễm HIV/AIDS là hoàn toàn cần thiết.

Thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả thuốc điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh minh họa

Trong những năm qua, BHYT đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đối với những người không may nhiễm HIV/AIDS. Thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả thuốc điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn có thẻ BHYT vẫn còn rất hạn chế.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y Tế, đến năm 2017, mọi viện trợ về thuốc và chi phí khám, chữa bệnh của Qũy Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hoàn toàn chấm dứt. Việc các bệnh nhân phải đối mặt với vấn đề chi trả tiền khám, thuốc chữa bệnh và các xét nghiệm liên quan là điều tất yếu. Chính vì vậy, việc đưa danh mục thuốc của người nhiễm HIV/AIDS vào danh mục chi trả của bảo hiểm xã hội sẽ là “cứu cánh” đối với những người nhiễm HIV.

Như vậy, thay vì phải thanh toán toàn bộ các chi phí khám, chữa bệnh, khi sử dụng thẻ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, người nhiễm HIV/AIDS sẽ được hỗ trợ chi trả các chi phí điều trị. Đặc biệt, nhà nước sẽ mua BHYT cho những bệnh nhân nghèo nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ tới 70% bảo hiểm với những bệnh nhân cận nghèo để tránh tình trạng nhiều bệnh nhân sẽ phải bỏ điều trị giữa chừng do giá thuốc điều trị HIV khá cao, dẫn đến việc bị kháng thuốc, tăng khả năng lây nhiễm.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng nhóm câu lạc bộ “Nắng cuối trời” của 500 thành viên gồm những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Mặc dù hiểu rõ được tầm quan trọng mà thẻ BHYT mang lại đối với việc khám, chữa bệnh của những người bình thường nói chung và đối với người nhiễm HIV nói riêng. Tuy nhiên, những năm qua, người nhiễm HIV trên địa bàn không mấy quan tâm tới vấn đề này và hầu như không ai mua thẻ BHYT”.

Trả lời nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chị Hằng cho rằng, tâm lý của những người nhiễm HIV đều cho rằng việc điều trị bằng thuốc của các tổ chức là miễn phí mãi mãi, cộng thêm việc danh mục điều trị thuốc cho người nhiễm HIV những năm qua ghi rõ không được bảo hiểm xã hội chi trả. Do đó, đa số người nhiễm HIV nghĩ rằng việc mua BHYT đối với họ là không cần thiết.

Theo chị Nguyễn Thị Hằng, trong 500 thành viên câu lạc bộ “Nắng cuối trời” của chị Hằng, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một vài thành viên có thẻ BHYT. Chị Nguyễn Thị Ngà, một thành viên câu lạc bộ “Nắng cuối trời” cho biết: “Qua các kênh thông tin thì bản thân tôi cũng biết được, trong thời gian tới, việc điều trị bằng thuốc ARV của người nhiễm HIV/AIDS do các tổ chức tài trợ sẽ bị cắt giảm và chúng tôi sẽ phải tự chi trả cho những chi phí điều trị, xét nghiệm hay khám, chữa bệnh của bản thân. Đồng thời, thông tin về việc danh mục thuốc của người nhiễm HIV sẽ được bảo hiểm chi trả tiền điều trị giống như bất kỳ đối tượng nào”.

Chính vì ý thức được tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm, chị Ngà đã mua thẻ ngay để có thể sử dụng thẻ BHYT nếu như phải điều trị nội trú bởi các chương trình tài trợ sẽ không hỗ trợ điều trị nội trú. Tuy nhiên, trường hợp người nhiễm HIV mua thẻ BHYT như chị Ngà còn khá khiêm tốn bởi nhiều người còn “thờ ơ” với việc mua bảo hiểm. Cùng với đó là tâm lý lo ngại sự xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng đã khiến cho người nhiễm HIV không hiểu hết được vai trò và tầm quan trọng của thẻ BHYT đối với chính cuộc sống của bản thân mình.

Chị Nguyễn Thị Hằng cho hay, để người nhiễm HIV thực sự hiểu được tầm quan trọng của thẻ BHYT đối với chính cuộc sống và sức khỏe của họ, điều quan trọng nhất đối với những người nhiễm HIV/AIDS sinh hoạt tại các câu lạc bộ là được các thành viên trong nhóm chia sẻ, thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích và trao đổi để họ hiểu được tầm quan trọng của thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin, truyền thông cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng thẻ BHYT để đông đảo người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận và chấp nhận dùng thẻ.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người nhiễm HIV có thể mua thẻ BHYT một cách dễ dàng. Như vậy, trong tương lai những người nhiễm HIV/AIDS mới có thể được đảm bảo, tạo điều kiện chữa trị để kéo dài cuộc sống.

Top