Để các tổ chức cộng đồng có thể đăng ký tư cách pháp nhân

16/04/2015 17:56

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Ban Quản lý Dự án thành phần VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng lựa chọn khả thi đăng ký tư cách pháp nhân cho các tổ chức cộng đồng.

 

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày, trao đổi về những giải pháp đăng ký tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS; vấn đề đăng ký tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng qua các kỳ họ VCSPA (Hội nghị gặp mặt thường niên); những khó khăn vướng mắc trong khung pháp luật hiện hành cho các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, chia sẻ, thảo luận về các vấn đề đăng ký tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng qua 3 kỳ họp CSO 2012-2014; chia sẻ về hoạt động và vai trò của các tổ chức cộng đồng trong truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; thực trạng, vai trò và các thách thức của tổ chức xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam…

Bà Bùi Kim Tuyến, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ của VUSTA cho biết, tổ chức dựa vào cộng đồng là tập hợp thành viên tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận, xuất phát từ một cộng đồng đặc thù, hoạt động vì lợi ích của các thành viên cộng đồng đó, do cộng đồng đó làm chủ và quản lý.

Đối với các tổ chức tổ chức dựa vào cộng đồng, sẽ có rất nhiều thuận lợi khi có pháp nhân, bởi họ được hoạt động hợp pháp (có tài khoản, mã số thuế, có người chịu trách nhiệm trước pháp luật); chủ động việc ký kết hợp đồng và vận động tài trợ; có thể chứng minh được kinh nghiệm hoạt động và năng lực tổ chức…

Tuy nhiên, hiện thực trạng tiếp cận việc đăng ký pháp nhân của các tổ chức dựa vào cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do không biết các văn bản và thủ tục đăng ký, khó đáp ứng các điều kiện pháp lý và hạn chế về năng lực.

Theo BS Đặng Văn Khoát, Phó Chủ nhiệm VCSPA, tư cách pháp nhân rất quan trọng. Hiện nay còn rất nhiều nhóm tự lực, nhiều câu lạc bộ chưa có tư cách pháp nhân. Các nhóm chưa có tư cách pháp nhân sẽ gặp phải một số khó khăn như thiếu tự tin khi làm việc với các đối tác, nhà tài trợ hoặc các chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ chức cộng đồng sẽ rất khó để có thể nhận được nguồn tài trợ trực tiếp và phải thông qua một tổ chức phi chính phủ, chính quyền hoặc một cơ quan đoàn thể đỡ đầu.

Để các tổ chức cộng đồng có thể đăng ký tư cách pháp nhân, bà Bùi Kim Tuyến cho rằng, cần tạo ra cầu nối để tổ chức dựa vào cộng đồng tiếp cận văn bản thành lập pháp nhân dễ dàng hơn, có thể liên hệ với các cơ quan nhà nước khi cần thiết; vận động việc thành lập Hội dành cho nhóm yếu thế, trong đó các tổ chức dựa vào cộng đồng có thể tham gia với tư cách thành viên; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức dựa vào cộng đồng về quản lý, quản trị tổ chức, vận động tài trợ, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động…

Bên cạnh đó, cũng cần tư vấn cho các tổ chức dựa vào cộng đồng về các giải pháp có thể thực hiện, thuận lợi và khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động của mỗi loại hình; vận động một hình thức đăng ký hợp pháp cho các tổ chức dựa vào cộng đồng hoạt động tại cộng đồng. Đồng thời, đóng góp vào dự thảo Luật về Hội, trong đó quy định cụ thể về tổ chức không có tư cách pháp nhân và tổ chức xã hội từ thiện…

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày từ 16-17/4.
Top