Đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm cư dân đặc thù

31/03/2020 14:05

Thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và hướng tới các mục tiêu 90-90-90, Quảng Bình chú trọng triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm dân cư theo đặc thù của từng địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2020.

 Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone giảm thiểu người nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích. Ảnh: Thùy Chi

Theo đó, địa phương thực hiện tốt hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho dân di biến động, ngư dân, người dân khu vực biên giới tại cộng đồng dân cư năm 2020. Trong đó, tập trung tăng cường phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, truyền thông về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV.

Tổ chức hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS tại cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp, người di biến động, công nhân lao động tại các công trình xây dựng, đánh bắt hải sản; truyền thông thực hiện trong các buổi sinh hoạt tập trung với chủ đề HIV hoặc lồng ghép với an toàn lao động hoặc các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hội thi, Ngày thế giới phòng, chống AIDS.

Bên cạnh đó, cung cấp các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường và củng cố hệ thống chuyển tiếp người nhiễm HIV được phát hiện tại đơn vị, doanh nghiệp đến các cơ sở điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tuyên truyền, vận động người lao động có hành vi nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV/AIDS; giới thiệu người lao động nhiễm HIV/AIDS tới cơ sở y tế để được quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tổ chức các buổi nói chuyện cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao, nhân viên, tiếp viên nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ văn hóa; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, ngư dân đánh bắt hải sản; thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS cho ngư dân, dân di biến động; phối hợp với các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ cho ngư dân; động viên, khuyến khích, không kì thị và phân biệt đối xử, có chính sách cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động, ngư dân nhiễm HIV tham gia các hoạt động tại cộng đồng dân cư; vận động đối tượng nghiện chích ma túy tự nguyện tham gia chương trình điều trị methadone, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng tham gia điều trị methadone đã ngừng sử dụng heroin.

Đối với người dân khu vực biên giới, cửa khẩu, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông, phát tờ rơi và sách nhỏ, tập huấn cho cán bộ nhân viên cửa khẩu, hỗ trợ cung cấp thông tin về dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm di biến động qua biên giới; triển khai và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành Y tế, Bộ đội Biên phòng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực biên giới…

Việc triển khai các hoạt động nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, khuyến khích mỗi người dân tự giác tham gia vào việc phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư; đồng thời giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự phối họp giữa các cấp, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động tổ chức tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS cho dân di biến động, ngư dân, người dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.
Top