Đẩy mạnh công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trong trại giam

17/02/2016 16:22

Sự phối hợp tích cực giữa ngành công an và ngành y tế đã mang lại hiệu quả cao, tín hiệu tốt trong công tác triển khai dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại các trại giam.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi

Gần 2.990 người nhiễm HIV được dự án hỗ trợ điều trị

Các trại giam do Bộ Công an quản lý hiện có hàng nghìn phạm nhân nhiễm HIV, hàng chục nghìn đối tượng có tiền sử nghiện chích ma túy. Tuy nhiên, theo Cục Y tế, Bộ Công an, trong giai đoạn 2011-2015, đã có 25 trại giam được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt triển khai hoạt động dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho phạm nhân. Trong đó, có 18 trại giam do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ, 5 trại giam do FHI360 hỗ trợ và 2 trại giam do AHF hỗ trợ.

Ngoài ra, một số trại giam khác được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn hỗ trợ công tác dự phòng, chăm sóc điều trị cho phạm nhân.

Hiện nay, 23/51 trại giam chưa được hỗ trợ từ các dự án vẫn đang nhận thuốc điều trị ARV miễn phí.

Tính đến tháng 9/2015, có 2.987 bệnh nhân nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV tại 25 trại giam (2.097 bệnh nhân tại 18 trại giam do QTC hỗ trợ; 631 bệnh nhân tại 05 trại giam do FHI360 hỗ trợ; 259 bệnh nhân tại 2 trại giam do AHF hỗ trợ). Ngoài ra, còn hàng trăm bệnh nhân được điều trị ARV tại 25 trại giam không có các dự án tài trợ. Số phụ nữ và nam giới được tư vấn xét nghiệm HIV đầy đủ năm 2015 là 12.967 phạm nhân.

Tăng cường hoạt động dự phòng trong trại giam

Để đạt hiệu quả cao trong công tác triển khai hoạt động sự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại các trại tạm giam, ngành công an đã phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành tổ chức xét nghiệm CD4, xét nghiệm cơ bản cho phạm nhân. Đồng thời, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông. Thông qua Dự án Qũy Toàn cầu, hỗ trợ tập huấn cho 18 trại giam thuộc khuôn khổ dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ truyền thông trực tiếp cho phạm nhân tại các trại giam về phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cán bộ y tế, cán bộ giáo dục, cán bộ quản giáo, cảnh sát bảo vệ công tác tại các trại giam…

Hướng dẫn các trại giam chủ động phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành trên địa bàn đóng quân: tư vấn xét nghiệm HIV, dự trù nhu cầu thuốc ARV, xét nghiệm CD4, hỗ trợ kỹ thuật…; Kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các trại giam.

Cục Y tế, Bộ Công an phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS với sự tài trợ của các chương trình dự án tổ chức các Hội thảo định hướng, kết nối giữa hệ thống y tế ngoài cộng đồng với y tế trại giam trong việc triển khai điều trị ARV.

Bệnh nhân gia tăng làm tăng áp lực

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị trong trại giam vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng bệnh nhân điều trị tăng trong các trại giam làm tăng áp lực công việc và quá tải cho cán bộ y tế trong trại giam; Các phân trại cách xa nhau nên khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc ARV; Một số đơn vị thiếu xét nghiệm sàng lọc HIV so với nhu cầu thực tế; Thiếu bác sỹ, thiếu cán bộ y tế. Chế độ chính sách đối với cán bộ y tế chưa thỏa đáng; Cơ sở vật chất nhiều bệnh xá xuống cấp, thiếu buồng bệnh cách ly, một số đơn vị thiếu trang thiết bị y tế thiết yếu.

Đối với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành: Nguồn ngân sách hạn chế nên không có đủ kinh phí để vào trại giam hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông cung cấp kiến thức về HIV…; Không đủ ngân sách để hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cơ bản, CD4, Test nhanh sàng lọc HIV, các thuốc nhiễm trùng cơ hội; Hoạt động phối hợp, chuyển tiếp bệnh nhân thực hiện chưa thường xuyên, còn các trường hợp gián đoạn điều trị. Bên cạnh đó, ngân sách bị cắt giảm, các dự án kết thúc và việc thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế cũng là khó khăn đối với công tác này.

Thêm 3 trại giam được dự án hỗ trợ

Tuy còn nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị trong trại giam, nhưng đây là công tác quan trọng nhằm giảm thiểu lây nhiễm mới HIV/AIDS. Dự kiến, trong năm 2016, sẽ có thêm 3 trại giam (Hoàng Tiến, Yên Hạ, Định Thành) do AHF hỗ trợ sẽ triển khai hoạt động chăm sóc, điều trị HIV cho phạm nhân. Như vậy, tổng số trại được các dự án hỗ trợ là 28 trại giam.

Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ đưa ra các giải pháp về nguồn nhân lực, chế độ chính sách, cơ sở vật chất, thông tư y tế cho các trại giam (phù hợp với các quy định hiện hành). Đồng thời, huy động bền vững cho công tác dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của các trại giam trong bối cảnh các nguồn tài trợ bị cắt giảm.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị trong trại giam, Bộ Công an kiến nghị, đề xuất Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) hướng dẫn, hỗ trợ cho toàn bộ các trại giam do Bộ Công an quản lý duy trì và mở rộng hoạt động quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV (theo TT02/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT) từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành chủ động trong hoạt động kết nối với các trại giam trên địa bàn từ khâu xét nghiệm đến điều trị ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí, vật tư, trang thiết bị, thuốc, chuyên môn kỹ thuật cho các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong các trại giam.
Top