Đẩy mạnh cơ chế phản hồi từ người nhiễm HIV

30/06/2015 18:43

Trong tháng Cao điểm đự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có dịp trao đổi với BS. Đỗ Quang Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học - phụ trách Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương về hiệu quả, những khó khăn và giải pháp của Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

BS. Đỗ Quang Hà, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Ảnh: Thùy Chi

PV: Xin ông cho biết hiệu quả của chương trình được thực hiện tại bệnh viện trong thời gian qua?

BS. Đỗ Quang Hà: Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương được triển khai từ năm 1999. Thời gian qua, số lượng phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương sinh con tương đối ổn định.

Thống kê cho thấy, năm 2013, có 118 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến sinh con; số phụ nữ mang thai đã điều trị 3 thuốc ARV trước và trong khi mang thai là 77; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng AZT kết hợp hoặc không với NVP liều duy nhất là 26; số phụ nữ mang thai chỉ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi chuyển dạ là 12; và 1 phụ nữ nhiễm HIV sinh con không được điều trị dự phòng ARV.

Trong khi đó, số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, 104 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến sinh con, trong đó 74 phụ nữ đã điều trị 3 thuốc ARV trước và trong khi mang thai; 15 phụ nữ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng AZT kết hợp hoặc không với NVP liều duy nhất; 11 phụ nữ mang thai chỉ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi chuyển dạ…

Trong số những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có 64 trẻ được chuẩn đoán sớm nhiễm HIV bằng phương pháp PCR, kết quả cho thấy 1 trẻ có kết quả xét nghiệm PCR ( ), 63 trẻ âm tính với HIV… Như vậy, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống tới 1,5%, thấp hơn so với  mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5%.

Nhìn chung, ở khu vực miền Bắc, tỷ lệ lây truyền HIV qua đường tình dục không cao như ở miền Nam. Vì vậy, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng thấp hơn. Hiện có sự dịch chuyển, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở ngoại tỉnh đến sinh con ở trung ương. Số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ mang thai nhiễm HIV người ngoại tỉnh chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân sự dịch chuyển này là do mọi người lo ngại về chất lượng dịch vụ và sợ bị phân biệt, đối xử tại địa phương cư trú.

PV: Trong quá trình thực hiện, chương trình đã gặp phải những khó khăn và thuận lợi gì?

BS. Đỗ Quang Hà: Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tại bệnh viện có nhiều thuận lợi, bởi hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều tuân thủ rất tốt quy trình điều trị và chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do lo lắng cho sức khỏe của con. Bên cạnh đó, chương trình mang tính đồng bộ nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử giảm rõ rệt.

Việc Bộ Y tế điều chỉnh phác đồ điều trị theo hướng sớm hơn cũng giúp cho tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm khá nhiều. Đồng thời, quá trình điều trị được đơn giản hóa nhiều, không khó khăn, tự người bệnh tuân thủ các quy trình qua giáo dục, tuân thủ điều trị, đánh giá tuân thủ…

Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ khi có phác đồ điều trị mới, đưa thêm nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành, chuyên khoa để nâng cao năng lực cán bộ.

Về khó khăn, hiện nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, tuy nhiên tại bệnh viện chương trình này hiện chưa bị ảnh hưởng. Ở một số nơi chủ yếu giảm mạnh về công tác xét nghiệm, tuy nhiên trong thời gian qua bệnh viện không dựa vào nguồn lực về xét nghiệm, chính vì vậy bệnh viện đã không bị ảnh hưởng từ vấn đề này.

Về nguồn thuốc, bệnh viện hiện vẫn đang nhận được đầy đủ nguồn thuốc điều trị cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vì thuốc điều trị cho chương trình này cần số lượng ít, mẹ và con chỉ cần dùng một thời gian nên việc bảo đảm nguồn và số lượng thuốc không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nguồn thuốc hiện do Dược phẩm Trung ương 1 phân phối dưới sự tài trợ từ PEPFA (Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS).

Vấn đề khó khăn nhất là không nắm được việc theo dõi sau sinh. Cụ thể, trong năm 2014, có đến trên 30% trường hợp người mẹ sau khi sinh không để lại thông tin nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú mà không thông báo bên không theo dõi được số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

PV: Theo ông cần phải có những giải pháp nào để giải quyết những khó khăn trên?

BS. Đỗ Quang Hà: Bệnh viện gặp khó khăn trong vấn đề này vì theo nguyên tắc, từ sau khi sinh con là phải giới thiệu mẹ đến phòng khám nội trú người lớn, con sang phòng khám nội trú nhi. Để giải quyết tình trạng này bệnh viện cũng đã xây dựng cơ chế phản hồi. Các phòng khám có nhiệm vụ báo lại cho bệnh viện họ có theo dõi, nhận được những bệnh nhân này hay không.

Tuy nhiên, bệnh viện gặp khó khăn ngay từ khi lập hồ sơ cho sản phụ. Do ngành y tế không được phép kiểm tra, xác thực thông tin cá nhân nên khi sản phụ đến đăng ký sinh con bằng tên khác cũng không thể biết được. Thậm chí có những trường hợp họ không muốn báo tình trạng của họ và con của họ với bệnh viện thì cũng không thể ép họ được.

Để giải quyết được vấn đề này rất khó khăn, trừ trường hợp phát thẻ cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, người nhiễm HIV rất nhạy cảm nên rất khó có những giải pháp cụ thể, chẳng hạn như việc báo về các tuyến tỉnh, phường, xã để họ có thể quản lý người bệnh thì lại có thể bị hiểu nhầm là kỳ thị, phân biệt đối xử.

Đặc biệt, đối với người ngoại tỉnh, sau khi sinh có thể giới thiệu họ về bệnh viện tuyến tỉnh, ngoài ra còn có thể giới thiệu về Bệnh viện Truyền nhiễm Trung ương. Do vậy, trước mắt để giải quyết tình trạng này, cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến tỉnh để có mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa.

PV: Theo ông, liệu có thể thực hiện mục tiêu loại trừ việc lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con trong thời gian tới?

BS. Đỗ Quang Hà: Vài năm trở lại đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện có dấu hiệu tăng lên ở nữ giới. Đây là những yếu tố làm tăng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không được can thiệp dự phòng kịp thời.

Theo tôi, chúng ta có thể đạt được tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống 2%, thậm chí là 0% với điều kiện phải tuân thủ tuyệt đối. Nếu như đẩy được phác đồ 3 thuốc, lựa chọn P mà được điều trị sớm thì chúng ta có thể đạt hiệu quả cao trong chương trình này.

Bên cạnh đó, đối với phụ nữ mang thai cần phải chủ động, để tránh những lo lắng về tình trạng nhiễm HIV của mình, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm xác định nguy cơ lây nhiễm HIV. Tốt nhất nên đi xét nghiệm HIV sớm khi bắt đầu mang thai hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu nhiễm HIV thì sẽ được điều trị dự phòng kịp thời, tránh lây truyền HIV sang con.

Bên cạnh đó, chủ động ở từng thời điểm mang thai để được can thiệp dự phòng toàn diện, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ lây truyền HIV sang con và hoàn toàn có thể sinh được những đứa trẻ khỏe mạnh không nhiễm HIV. Mục tiêu loại trừ việc lây truyền HIV từ mẹ sang con hoàn toàn có thể đạt được khi mỗi thành viên trong gia đình có kiến thức hiểu biết về dịch HIV và sự thông cảm, chia sẻ của toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top