Đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, chống HIV/AIDS

28/09/2015 16:44

Dự án "Kết nối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh ven biển miền Bắc" đã giúp đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực cho các tổ chức tại cộng đồng, tăng cường kết nối và điều phối giữa các bên tham gia.

 

Tư vấn, xét nghiệm HIV - Ảnh minh họa

Các tỉnh ven biển được thực hiện dự án trong giai đoạn 1 từ tháng 7/2014-9/2015 bao gồm: Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Các đối tượng mà dự án hướng tới là các tổ chức xã hội (CSO) và các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) để giúp họ nâng cao sự đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, giúp họ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao và kết nối các đối tượng này với các dịch vụ HIV/AIDS phù hợp.

Dự án mong đợi sẽ hỗ trợ được cho các tổ chức CSO/CBO tiếp cận 6.700 đối tượng đích và chuyển gửi thành công 6.000 đối tượng đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV (HTC), phát hiện được 600 người nhiễm mới và trên 900 người nhiễm HIV chưa đăng ký tại các cơ sở y tế nhận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ. Tăng cường năng lực ít nhất 30 tổ chức CSO/CBO cũ và mới tại 3 tỉnh thành của dự án. Đồng thời, hỗ trợ 30 tổ chức CSO/CBO tham gia vào các mạng lưới quốc gia, sự kiện, diễn đàn hiện có nhằm góp phần vào việc ứng phó với HIV/AIDS.

Sau 15 tháng triển khai, tại Quảng Ninh, chương trình tư vấn, tiếp cận đã giúp phát hiện mới 15 ca nhiễm, tập huấn 8 khóa nâng cao năng lực cho các nhóm CBO, tổ chức những cuộc họp điều phối giữa Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh với các tổ chức dựa vào cộng đồng...

Tại tỉnh Nghệ An, dự án đã tiếp cận được 4.211 đối tượng, xét nghiệm được 3.026 ca, phát hiện mới 173 ca dương tính mới phát hiện, số đối tượng đăng ký dịch vụ OPC (phòng khám ngoại trú) và đưa vào điều trị ARV là 173 người…

Các nhóm CBO tại huyện Quế Phong, Quỳ Châu và thành phố Vinh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đó, các nhóm CBO vẫn gặp những khó khăn như vẫn còn phân biệt kỳ thị trong cộng đồng, địa bàn rộng, dân cư biến động, trình độ và năng lực của nhân viên tiếp cận cộng đồng đang còn yếu, hệ thống tiếp nhận, quản lý và sổ sách theo dõi tại các cơ sở y tế chưa đồng nhất…

Trong giai đoạn tiếp theo, Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu đến ngày 30/9/2017 sẽ tiếp cận và sàng lọc cho khoảng gần 40.000 người có nguy cơ cao; xét nghiệm sàng lọc HIV tại huyện, xã, thôn bản cho 31.000 người; Chăm sóc điều trị cho gần 2.700 bệnh nhân mới phát hiện HIV.

Dự án "Kết nối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh ven biển miền Bắc" là một trong rất ít các dự án ODA tranh thủ được nguồn lực tài chính quốc tế với mục đích thúc đẩy sự bền vững về phòng chống HIV/AIDS tại các tỉnh triển khai dự án.
Top