Đầu tư có chiến lược hơn cho phòng chống HIV

15/08/2014 15:53

Nếu nguồn tài chính không được cung cấp đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào bởi tỷ lệ HIV kháng thuốc cao với chi phí tốn kém hơn nhiều lần hiện nay.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết như vậy tại Hội thảo “Đại biểu dân cử khu vực miền Bắc với chính sách pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm” do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Hải Phòng ngày 15/8.

Mục đích của Hội thảo là nhằm giới thiệu Khung chiến lược đầu tư phòng chống HIV/AIDS, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, mại dâm và cai nghiện ma túy.

Dưới sự chủ trì của ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế, các đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành thuộc các tỉnh miền Bắc đã nghe báo cáo và thảo luận về cân đối nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS.

Việt Nam có thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030?

Tại Hội thảo, bà Kristan Schoultz, Trưởng đại điện Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS) cho rằng, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng đang có nguy cơ không duy trì được các thành tựu này, do suy giảm nguồn lực nước ngoài và cả trong nước dành cho phòng, chống HIV/AIDS.

UNAIDS và các đối tác quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV giai đoạn 2013-2020”. Đề án này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm các giải pháp để duy trì bền vững các ứng phó của quốc gia chống lại dịch HIV.

Khung đầu tư chiến lược cho phòng chống HIV/AIDS được thiết kế nhằm giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định về phân bổ nguồn lực, trên cơ sở xác định rõ ràng hoạt động nào có hiệu quả, hoạt động nào không có hiệu quả trong một tình hình cụ thể của một quốc gia, đồng thời phương pháp này cũng đưa ra các chỉ dấu nên đầu tư vào đâu để thực sự thu được hiệu quả từ đồng vốn đã bỏ ra.

“Ngay từ bây giờ, cần đầu tư một cách sáng suốt cho phòng chống HIV/AIDS thì Việt Nam sẽ ngăn chặn được nhiều hơn các ca nhiễm HIV, tiết kiệm được các phí tổn tương lai và sẽ đạt được mục tiêu kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030”, bà Kristan Schoultz nói.

Theo tính toán của UNAIDS, nếu đầu tư đúng cách với 92 triệu đô la mỗi năm trong giai đoạn 2014 - 2030 sẽ cứu được 152.583 người khỏi bị nhiễm HIV.

Nhấn mạnh việc đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết một số chiến lược trọng tâm như củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS theo hướng lồng ghép và phân cấp để tăng cường tính hiệu quả và bền vững; khẩn trương mở rộng methadone; tập trung đầu tư cho các vùng trọng điểm và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất…

Nhằm bảo đảm tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020; xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho điều trị bằng ARV và methadone trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ, ngành, đoàn thể bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý; tăng chi ngân sách địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS bằng việc đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; bảo hiểm y tế chi trả cho các chi phí điều trị ARV, OI (điều trị nhiễm trùng cơ hội)…

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức, tăng cường chỉ đạo, đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc thực hiện thành công Khung đầu tư chiến lược. Ở đâu có sự chỉ đạo mạnh mẽ và quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo, tại đó các hoạt động phòng chống HIV được triển khai sâu rộng và có thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ và quan tâm sát sao của cấp lãnh đạo, tại đó các hoạt động phòng chống HIV được triển khai sâu rộng và có thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ để đạt được nhiều kết quả ngoạn mục hơn.

Hoàng Anh

Top