Dấu hiệu cảnh báo HIV đang phát triển âm thầm trong cơ thể

20/03/2021 12:42

Ở giai đoạn mạn tính, người nhiễm HIV thường không có triệu chứng. Vì vậy, họ có thể không biết mình mắc bệnh hoặc khi phát hiện đã ở giai đoạn nặng.

HIV/AIDS là căn bệnh khiến nhân loại đau đầu bởi chưa thể tìm ra cách tiêu diệt hoàn toàn. Một khi bị nhiễm, người bệnh sẽ phải chung sống cả phần đời còn lại với virus. Thuốc ức chế virus là thứ duy nhất có thể ngăn HIV nhân lên và hạn chế nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn cuối - AIDS. Việc phát hiện người bị HIV/AIDS cũng khá khó khăn, nhất là khi nhiều trường hợp phát triển bệnh âm thầm hàng thập kỷ.

Giai đoạn không triệu chứng

Phát hiện người nhiễm HIV gặp khó khăn ở chỗ đa phần ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không phát hiện mình bị bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng HIV giai đoạn đầu (giai đoạn nguyên phát) có thể xuất hiện từ 2-4 tuần sau khi một người tiếp xúc nguồn lây. Những triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần.

Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ có biểu hiện trong vài ngày hoặc thậm chí không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Dù vậy, họ vẫn có thể truyền virus cho người khác thông qua các con đường như quan hệ tình dục, máu, lây từ mẹ sang con…

Thống kê từ CDC cho thấy hầu hết (hơn 80%) người bị nhiễm HIV giai đoạn đầu sẽ có triệu chứng tương tự cúm, bao gồm: Sốt, đau họng, phát ban trên cơ thể, sổ mũi, mệt mỏi, đau khớp, đau cơ, viêm…

Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang chiến đấu để chống lại virus. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi người có triệu chứng trên đều là bệnh nhân HIV. Những triệu chứng này còn tương đồng với người mắc Covid-19, cảm cúm, nhiễm trùng…

Nếu gặp các triệu chứng trên và cho rằng mình có nguy cơ nhiễm HIV, bạn nên đi xét nghiệm sàng lọc. Bởi sau đó, cơ thể sẽ trải qua giai đoạn không triệu chứng, khiến chúng ta vô tình bỏ sót cơ hội vàng để điều trị.

Ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân HIV gặp triệu chứng tương tự cúm như sốt, phát ban trên da, đau người, mệt mỏi... Ảnh: Shutter Stock

Giai đoạn một trôi qua, hầu hết người nhiễm HIV sẽ trở lại bình thường, cảm thấy khỏe hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa virus biến mất. Sự bảo vệ mạnh mẽ của hệ miễn dịch trên mỗi cá thể sẽ làm giảm số lượng các hạt virus trong máu và chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng. Các bác sĩ còn gọi đây là giai đoạn nhiễm HIV mạn tính hay tiềm ẩn.

Theo Tổ chức HIV Mỹ, thời gian lây nhiễm HIV tiềm ẩn có thể kéo dài 10 tới 15 năm. Nhiễm trùng tiềm ẩn về mặt lâm sàng có thể phát triển đến giai đoạn 3 và giai đoạn cuối của HIV - còn gọi là AIDS. Nguy cơ diễn biến nặng là rất cao nếu bệnh nhân không được điều trị.

Trong giai đoạn nhiễm HIV mạn tính, nồng độ virus tăng dần trong cơ thể, nó phá hủy tế bào miễn dịch T-CD4. Số lượng CD4 sụt giảm nhanh chóng, cho thấy tổn thương ngày càng nặng. Bệnh nhân cần phải được điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) để ngăn không cho virus tiếp tục tấn công hệ miễn dịch.

Nếu không được điều trị, HIV thường phát triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) sau 8-10 năm. Lúc này, số lượng tế bào CD4 giảm xuống mức dưới 200 tế bào/1 mm3 máu, quá trình miễn dịch bị vô hiệu hóa và xuất hiện các nhiễm trùng do vi sinh vật cơ hội gây ra.

Bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, tiêu chảy, sụt cân bất thường, nhiễm trùng miệng (tưa lưỡi, miệng), zona thần kinh (herpes zoster), viêm phổi... Ngoài ra, họ cũng có khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm gây ra vì cơ thể không đủ sức chống lại các tác nhân nguy hiểm.

Chúng được gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội, bao gồm sarcoma Kaposi (một dạng ung thư da); nhiễm nấm Cadida species gây nấm miệng hoặc nhiễm vi khuẩn hiếu khí Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Sau đó, các virus Herpes tiềm ẩn sẽ được kích hoạt gây tái phát ngày càng nặng những tổn thương do Herpes simplex, bệnh zona thần kinh, ung thư hạch bạch huyết do virus Epstein-Barr hoặc ung thư Kaposis sarcoma.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nếu không được điều trị, những người bị AIDS thường chỉ sống sót thêm khoảng 3 năm.

Làm gì khi bị nhiễm HIV?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm virus HIV khi tiếp xúc một số loại dịch cơ thể mang trùng như máu, tinh dịch, dịch tiền tinh hoàn, dịch âm đạo, dịch trực tràng và sữa mẹ. Rủi ro lớn nhất gây nhiễm HIV là quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh.

Sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, bạn cũng không nên bi quan. Bởi nó chỉ đơn thuần là căn bệnh mà khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị. Kết quả xét nghiệm dương tính với HIV cho thấy đang có virus này ở trong máu của bạn. Thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống hoàn toàn bình thường khỏe mạnh trong nhiều năm.

Theo quy định của pháp luật, sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, bệnh nhân cần có trách nhiệm thông báo cho vợ hoặc chồng về điều này. Tuy nhiên, bạn không có nghĩa vụ phải nói điều đó cho bất kỳ ai khác và vẫn có thể làm việc, tham gia các hoạt động xã hội bình thường, ngoại trừ những trường hợp được quy định trong pháp luật.

Người nhiễm HIV cũng cần chủ động hạn chế một số hoạt động hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác như quan hệ tình dục phải sử dụng bao cao su; không nên có con; khám sức khỏe định kỳ; tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn một số loại thuốc như AZT (Zidovudine), DDI (Didanosin), Lamivudine, Indinaviz, có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của virus.

Top