Đảm bảo thuốc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS - Một vấn đề khẩn cấp

21/09/2015 09:52

Hiện nay, Việt Nam có hơn 200.000 người nhiễm HIV đang còn sống trong đó, có gần 98.000 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Trong số những người được điều trị bằng ARV có tới 95% số thuốc được chi trả bằng nguồn kinh phí viện trợ. Do vậy khi nguồn viện trợ thuốc ARV từ nước ngoài cắt giảm nhanh trong những năm tới thì đây là thách thức rất lớn.

Ảnh minh họa

Tiếp chúng tôi tại Phòng khám và Điều trị ngoại trú của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên, anh L.V.T sống tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên đã tâm sự: “Tôi phát hiện mình bị AIDS sau khi điều trị mãi mà không khỏi bệnh lao phổi. Lúc đó, xét nghiệm tế bào CD4 của tôi rất thấp, tôi tưởng mình sẽ chết trong thời gian ngắn. Nhưng được sự động viên của gia đình và tư vấn của cán bộ Trung tâm, tôi đã được xét nghiệm và điều trị thuốc kháng vi rút ARV. Sau một thời gian điều trị, tôi cảm thấy sức khỏe của mình tốt hơn và tăng được 10 kilogam. Nhờ vậy, tôi có thể tham gia lao động và sống hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên tôi được biết rằng đây là thuốc do nước ngoài tài trợ và nếu không còn viện trợ nữa thì việc điều trị ARV của tôi sẽ ra sao?”

Cũng tại Phòng khám này, chúng tôi đã gặp chị T.T.N. (19 tuổi), ở xã Noong Hẹt phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện chích ma tuý. Sau khi làm xét nghiệm, cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tư vấn cho chị điều trị thuốc kháng virus ARV.  Chỉ sau hơn 1 tháng điều trị, chị N. thấy cơ thể đỡ mệt mỏi, ăn và ngủ tốt. Chị tâm sự: “Được uống thuốc ARV, em như người được hồi sinh thêm lần nữa. Em sẽ thực hiện đúng những gì mà bác sĩ đã dặn, hy vọng có một sức khỏe tốt để lao động, chăm lo cho cậu con trai 2 tuổi. Tuy nhiên một điều em cũng lo lắng nếu nhà nước không cấp thuốc ARV miễn phí thì hầu hết người nhiễm HIV sẽ không thể duy trì được việc điều trị. Em hy vọng nhà nước sẽ có biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho những người như chúng em”.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tâm sự và lo lắng của người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV khi họ được biết rằng nguồn thuốc ARV hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là thuốc do các tổ chức quốc tế tài trợ và nguồn tài trợ này đang bị cắt giảm rất nhanh.

Đem nỗi lo lắng này của các bệnh nhân đang điều trị ARV trao đổi với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi được TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, theo báo cáo, Việt Nam có hơn 200.000 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó đó đã có gần 98.000 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Cũng trong số những người được điều trị bằng ARV thì có tới 95%  số thuốc được chi trả bằng nguồn kinh phí viện trợ. Do vậy khi nguồn viện trợ thuốc ARV từ nước ngoài cắt giảm nhanh trong những năm tới thì đây là thách thức rất lớn.

 TS.BS Nguyễn Hoàng Long cho biết, điều trị ARV sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS; giúp làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con và từ người nhiễm HIV sang vợ/chồng hoặc bạn tình của họ. Điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Do vậy, nếu thiếu thuốc ARV thì hậu quả trước tiên là người nhiễm HIV sẽ sớm chuyển sang AIDS và dẫn đến tử vong. Thứ hai, tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị vì  điều trị HIV kháng thuốc đắt gấp 8-10 lần so với HIV chưa kháng thuốc. Thứ ba, khi không được điều trị thì nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, dẫn đến dịch HIV/AIDS lan rộng trong cộng đồng.

Đảm bảo thuốc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đang trở thành một vấn đề khẩn cấp.

Giải pháp tài chính cho ARV

 TS.BS Nguyễn Hoàng Long cho biết,  Bộ Y tế  đã báo cáo Chính phủ một số các giải pháp đảm bảo duy trì thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Trước mắt, giải pháp tối ưu nhất trong thời gian ngắn hạn là Nhà nước cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV. Điều này giúp các công tác dự phòng, xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, khi đó người nhiễm sẽ được điều trị, làm giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc do họ được  điều trị liên tục,... Đại dịch HIV/AIDS sẽ không bùng phát trở lại, không gây tác động to lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, vẫn cần triển khai giải pháp dài hạn là xây dựng các cơ chế phù hợp với chính sách chi trả cho thuốc ARV từ bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm. Giải pháp thu phí dịch vụ điều trị ARV của người bệnh là khó khả thi vì hầu hết người bệnh HIV/AIDS là những người nghèo, không có khả năng chi trả dù chi phí cho phác đồ giai đoạn 1 chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày/người. Với các giai đoạn điều trị muộn hơn (theo phác đồ 2 trở đi), chi phí sẽ tăng từ 5 - 10 lần càng gây khó khăn trong việc chi trả. Hơn nữa, thu phí dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, tăng tỷ lệ HIV kháng thuốc và tăng chi phí điều trị ARV.

Nếu Chính phủ đảm bảo 400 tỷ tiền thuốc ARV cho 100.000 bệnh nhân HIV, Việt Nam không chỉ bảo vệ được cộng đồng mà còn có khả năng trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kết thúc được đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Top