Đảm bảo tài chính để nâng cao chất lượng phòng, chống HIV/AIDS

24/03/2015 16:33

Để đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khi nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế và ngân sách từ trung ương đang giảm dần, tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh.

Tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV - Ảnh Thanh Trà (do Trung tâm Life cung cấp)

Mục tiêu đề án đưa ra nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020. Chính vì vậy, tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú trọng đến việc tăng dần tỷ lệ kinh phí cho công tác này từ ngân sách nhà nước cấp về để đảm bảo các hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn được thực hiện.

Theo đó, 80% doanh nghiệp phải chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp; 80% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh được phép tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối giữa thu và chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.

Cũng theo đề án, ngoài nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia thì ngân sách địa phương chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được cấp hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 sẽ là 10,8 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015 là 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đề án còn có ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị thực hiện, nguồn ngân sách do bảo hiểm y tế chi trả và từ nguồn viện trợ cũng như các nguồn hợp pháp khác.

Thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu đề án, tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để bảo đảm tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để đề án đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh sẽ xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cũng qua việc thực hiện đề án, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Việc huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ được chú trọng thực hiện. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS… sẽ được chú trọng tăng cường hàng năm.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận trên 620 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, lũy tích bệnh nhân mắc bệnh AIDS là 236 trường hợp, lũy tích bệnh nhân tử vong do AIDS là 121 trường hợp.

Theo tính toán của ngành y tế tỉnh, với diễn biến phức tạp và mức độ lây lan như hiện nay, dịch bệnh HIV/AIDS đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ước tính đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 212 người nhiễm HIV mới, số người mắc AIDS mới sẽ là 77 người, lũy tích số người chết vì AIDS sẽ là 236 người.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu “3 giảm” các chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cần được tập trung đầu tư, mở rộng và duy trì lâu dài. Đặc biệt, việc triển khai Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giai đoạn 2015-2020” tại tỉnh Đắk Nông sẽ giúp tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ sở bền vững để nâng cao chất lượng phòng, chống HIV/AIDS ở các địa bàn trong toàn tỉnh.
Top