Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho phòng, chống AIDS

14/04/2014 17:00

Trước những thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi nguồn lực từ các tố chức quốc tế đang giảm mạnh, ngành y tế cần ưu tiên đầu tư, xây dựng các chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đang ngày càng khan hiếm.

Ngày 14/4, Tổ Chuyên gia của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội thảo ưu tiên đầu tư trong phòng, chống HIV tại Việt Nam.

Hội thảo ưu tiên đầu tư cho HIV tại Việt Nam. Ảnh Thùy Chi

Hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ, Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thành viên của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; đại diện VUSTA; đại diện một số NGO; các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, UNAIDS, WHO, UNODC...

Đại diện Tổ Chuyên gia, PGS. TS Nguyễn Bích Đạt – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, với diễn biến phức tạp và sự tiềm ẩn nguy cơ của tình hình dịch HIV/AIDS, tính bền vững về thành quả đã đạt được của các chương trình trong phòng, chống HIV là rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác này đang đứng trước những thách thức lớn khi các nguồn tài trợ từ quốc tế đang giảm mạnh, việc huy động từ các nguồn xã hội hóa còn hạn chế, trong khi các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương, đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, khác với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… các chương trình phòng, chống HIV/AIDS của nước ta hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn kinh phí từ các tổ chức nước ngoài.

Công tác điều trị đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong khi các chương trình điều trị miễn phí bằng thuốc kháng virus (ARV) trước nay đều nhờ nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế. Hiện nguồn tài trợ này đang bị cắt giảm dần, năm 2013 cắt giảm 20% và dự kiến cắt hoàn toàn trong năm 2017. Việc các tổ chức quốc tế ngừng tài trợ trong khi nguồn ngân sách không đủ để bù đắp gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo PGS. TS Nguyễn Bích Đạt, để giải quyết những thách thức trên cần tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn nội lực trong nước và kêu gọi sự hỗ trợ tiếp tục của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải có chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện đang có và đang trở thành khan hiếm hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, “nếu không được cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất kỳ lúc nào, với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và với chi phí tốn kém hơn nhiều lần”. Do vậy, cần phải vận động các nguồn đầu tư, đa dạng hóa các nguồn viện trợ quốc tế. Thu hút các nhà tài trợ mới với các đối tác mới, thông qua cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Đồng thời, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, vận động tài trợ và thu hút tài trợ từ nước ngoài cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả những nguồn lực được phân bổ, tập trung vào các hoạt động, chương trình hiệu quả như tập trung thực hiện các chương trình can thiệp, giảm hại với các đối tượng có nguy cơ cao như mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới để làm giảm sự lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục; duy trì các giải pháp can thiệp, cung cấp bơm kim tiêm cho các đối tượng nghiện chích ma túy; tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao để giảm kinh phí cho công tác này; đẩy mạnh công tác tư vấn, xét nghiệm sớm phát hiện nhiễm HIV để tiếp cận điều trị làm giảm tỉ lệ tử vong do AIDS; tập trung đầu tư vào những địa phương trọng điểm để nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án…

Ngoài ra, nên chủ động xây dựng những kế hoạch cụ thể nhằm chuyển chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ hoàn toàn dựa vào viện trợ thành một chương trình phân cấp và lồng ghép vào hệ thống y tế, chủ yếu sử dụng ngân sách trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế để có thể chủ động hơn trong phòng, chống HIV/AIDS.
Top