Đà Nẵng: Mở rộng mô hình phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc

21/05/2015 15:23

Tính đến tháng 2/2015, Đà Nẵng phát hiện khoảng 1.800 người nhiễm HIV, chiếm hơn 70% tổng số người nhiễm trên địa bàn thành phố trong độ tuổi lao động từ 20-39 tuổi. Riêng trong năm 2014, phát hiện 121 ca nhiễm mới HIV, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, 53 trường hợp chuyển AIDS và 8 trường hợp tử vong.

 

Tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí - Ảnh minh họa

Số trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới là người ngoại tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao đến hơn 51%. Phân tích số ca nhiễm mới cho thấy lây nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 25-49 tuổi chiếm trên 70%. Nguy cơ lây truyền chủ yếu vẫn qua đường tình dục không an toàn chiếm gần 93%, tỷ lệ nữ chiếm 38% (giảm 1,7% so với năm 2013); số người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm nhiễm HIV tăng ít.

Trong năm qua, để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trên địa bàn, Đà Nẵng đã duy trì thường xuyên 4 dự án phòng, chống HIV/AIDS; Can thiệp giảm hại; Chăm sóc hỗ trợ và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tăng cường năng lực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã tổ chức tốt công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông, truyền thông tại các xã huyện, trường học và tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cho 150 doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, triển khai hoạt động tiếp cận cộng đồng, cấp phát gần 22.000 bao cao su và 58.600 bơm kim tiêm sạch; 4 điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện, mở rộng thêm 2 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 2.904 trường hợp và phát hiện 62 trường hợp nhiễm HIV.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con xét nghiệm sàng lọc HIV cho 12.698 lượt phụ nữ mang thai và phát hiện 17 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, 15 mẹ và 17 trẻ đã được cung cấp đầy đủ thuốc điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo đúng quy định.

Về việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV, trong năm qua đã điều trị thêm cho 277 trường hợp, điều trị phơi nhiễm 139 trường hợp và điều trị dự phòng cho 84 bệnh nhân; tổ chức quản lý, lập hồ sơ cho 513 người nhiễm trong số 569 người nhiễm hiện đang còn sống trên địa bàn thành phố có danh sách quản lý, tỷ lệ đạt trên 90%.

Trong năm 2015, Đà Nẵng chú trọng đẩy mạnh phong trào “toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, phấn đấu bảo đảm 100% khu dân cư có nhóm nòng cốt triển khai hoạt động đến cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, giám sát tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố; thực hiện giám sát trọng điểm HIV/STI theo kế hoạch của Bộ Y tế. Duy trì các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn thành phố; hoạt động các nhóm đồng đẳng viên; hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố.

Do số ca lây nhiễm HIV mới chủ yếu tập trung ở độ tuổi lao động, từ 25-49 tuổi chiếm trên 70% nên năm 2015 Đà Nẵng đặc biệt chú trọng triển khai mở rộng mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp nhằm góp phần thay đổi cách nhìn và hành vi của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Mục đích chính của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc là tuyên truyền để các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố không phân biệt đối xử, không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, không xét nghiệm HIV/AIDS bắt buộc khi tuyển dụng hoặc trong quá trình người lao động đang làm việc.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông HIV cho người lao động khi mới tuyển dụng cũng như định kỳ và lồng ghép các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục sức khỏe. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy tại nơi làm việc như chế độ ốm, điều trị, thăm hỏi...

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này khi các nguồn lực hỗ trợ từ dự án quốc tế cho điều trị HIV trên địa bàn đang ngày càng giảm là khó khăn trước mắt. Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Top