Cứu bạn bị chảy nhiều máu có lây HIV?

23/09/2013 15:22

Ở trường em có một bạn bị đập đầu vào kính, máu ra rất nhiều. Vì cứu bạn, em không suy nghĩ gì liền lấy bông gòn thấm máu. Nhưng vì máu ra nhiều quá nên đã chảy hết lên tay và áo em. Tay của em khi đó không có bị thương gì hết, chỉ có một vết xước nhỏ ngoài da nhưng đã lên da non rồi. Cho em hỏi vậy có bị lây nhiễm HIV không ạ? Em xin cám ơn bác sĩ - ( Bạn T. Hà Nội ).

Trả lời:

Chào em,

Hành động cứu người là nghĩa cử cao đẹp mà bất kỳ ai cũng nên có. Những sơ cứu ban đầu đúng cách sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn cho người bị nạn, trong tình huống này, là bạn của em.

Xét riêng về HIV và khả năng lây nhiễm cho những tình huống sơ cứu người bị nạn như em mô tả, tôi xin chia sẻ như sau:

Thứ nhất, HIV không lây qua tiếp xúc giữa máu với vùng da nguyên vẹn, mà chỉ lây qua vết thương hở. Đối với vết thương đã liền da non, được kể là vùng da nguyên vẹn, lớp da này tuy nhìn mỏng manh và “yếu ớt” nhưng đã phủ kín vết thương và đủ sức bảo vệ trước các nhiễm trùng từ bên ngoài. Sau khi sơ cứu xong, em chỉ cần rửa sạch lớp máu trên da bằng nước sạch và xà phòng là yên tâm về khoản lây bệnh và vệ sinh.

Thứ hai, dịch HIV ở nước ta vẫn tập trung trên nhóm nguy cơ cao bao gồm mại dâm, tiêm chích ma túy và nam quan hệ đồng giới. Ba nhóm này có tỷ lệ nhiễm cao hơn hẳn dân số chung. Mặc dù không thể khẳng định 100%, nhưng theo tôi, bạn của em có khả năng mắc bệnh thấp, tương ứng với tỷ lệ nhiễm trong dân số chung là 0,3-0,4%. Như vậy, cơ hội mà em tiếp xúc với máu có HIV trong tình huống này là không cao.

Xét về các bệnh lây qua tiếp xúc với máu khác như viêm gan siêu vi B, C, khả năng lây của chúng cao hơn HIV. Nhưng xét trong tình huống mà em mô tả, nguy cơ này cũng không cao. Đặc biệt, hiện nay, viêm gan siêu vi B đã có thể chủng ngừa bằng vaccine với hiệu quả bảo vệ rất cao nếu tiêm chủng đúng cách và đủ liều.

Trong những tình huống khẩn cấp như vậy, thực sự rất khó trang bị các biện pháp bảo vệ y tế mà em thường thấy trong bệnh viện. Thông thường nhân viên y tế khi tiếp xúc với máu đều phải đeo găng tay vô khuẩn, nhằm bảo vệ cho bản thân trước các bệnh lây truyền qua đường máu cũng như hạn chế dây nhiễm vào vết thương của người bệnh. Tuy nhiên, số lần tiếp xúc của nhân viên y tế cao hơn rất nhiều, còn trong cộng đồng nói chung, cơ hội em gặp tình huống như trên là rất hạn hữu. Thay vì mãi lo lắng về một khả năng lây nhiễm bệnh không cao, em hãy cảm thấy thoải mái và tự hào với những hành động giúp bạn rất đẹp mình đã làm nhé.

Thân ái.

BS Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khoẻ Nam giới

Top