Cuộc sống sau trại giam của người đàn ông bị “án oan” nhiễm HIV

17/04/2015 17:13

Rời trại giam với kết quả kiểm tra nhiều năm trước nhiễm HIV, không công việc, bị cộng đồng kỳ thị, anh Sửu đã gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Sửu gom hồ sơ để trình tới cơ quan chức năng đòi lại danh dự cho bản thân

Giữa tháng 4, trong ngôi nhà ở ven biển Cửa Lò (Nghệ An), anh Hoàng Khắc Sửu, người đàn ông bị kết luận nhầm nhiễm HIV gần 13 năm đang loay hoay với xấp hồ sơ để đi trình cơ quan chức năng. 

Anh Sửu kể, không chỉ những năm trong trại giam bị suy sụp tinh thần vì nghĩ mình nhiễm HIV mà từ ngày rời cánh cổng trại giam trở về quê vào trung tuần 8/2013 đến nay, anh gặp bao khó khăn. Là con út, lúc anh trở về thì bố mẹ đã qua đời, anh chị em đều ra ở riêng nên anh thui thủi một mình trong căn nhà trống ven biển. Hàng xóm xa lánh khi hay tin anh nhiễm HIV.

Để mưu sinh, người đàn ông sinh năm 1973 này bắt đầu đi tìm việc làm nhưng nộp hồ sơ ở đâu cũng bị từ chối thẳng thừng với lý do không đủ sức khỏe. May mắn anh được người bạn thân giới thiệu vào làm nghề bốc vác gỗ ở khu công nghiệp với đồng lương tháng hơn 2 triệu đồng. “Cay đắng lắm khi bị từ chối, nhưng tôi vẫn chưa bị tuyệt đường sống. Nói thật, nếu không có việc làm thì chả biết sinh sống thế nào", anh Sửu chia sẻ.

Chuyện lập gia đình với anh Sửu còn khó khăn hơn gấp bội. Định kiến về người từng đi tù lại nhiễm HIV khiến anh khó tiếp cận với các cô gái. Trong lúc chán nản, anh gặp chị Nguyễn Thị Hải, kém mình 5 tuổi, người đã qua một lần đò và có một đứa con trai 5 tuổi. Sau những lần hẹn hò ngắn ngủi, cả hai quyết định về chung sống.

Ban đầu anh Sửu không dám kể cho vợ nghe việc mình bị mọi người bàn tán là nhiễm HIV mà âm thầm đi xét nghiệm tự nguyện theo lời khuyên của cán bộ y tế. Không lâu sau, tiếng xấu về anh Sửu đã đến tai người vợ. “Một hôm vợ bất chợt hỏi rằng anh nhiễm HIV phải không, tôi phân trần đó chỉ là tin đồn. Tôi lấy ba kết quả xét nghiệm âm tính với HIV để cho vợ xem và cô ấy lấy lại được tinh thần”, anh Sửu kể.

Ngắt lời chồng, chị Hải thừa nhận rất sốc khi nghe tin chồng nhiễm HIV qua lời bàn tán của bạn bè và người thân. Xem giấy xét nghiệm âm tính của chồng, chị mới phần nào bớt lo lắng và quyết đến với anh mặc cho sự ngăn cản của bố mẹ.

“Anh hỏi 'nếu giả sử anh mang bệnh thật thì em có oán trách hay không', tôi bảo đã yêu rồi thì sẽ chia sẻ khổ đau bệnh tật chứ không hề oán trách. Nếu anh mang bệnh thì em buồn thật nhưng sẽ nguyện gắn bó với anh suốt đời”, người vợ chia sẻ. Lúc đó chị đang mang bầu con trai đến tháng thứ sáu. 

Là người trực tiếp tư vấn cho anh Sửu đi xét nghiệm HIV, ông Chế Đình Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò cho biết, thông tin anh Sửu nhiễm HIV đã được trạm xá xã nắm từ năm 2003. Khi trở về địa phương, anh Sửu được trực tiếp thông báo đang trong diện HIV và bị theo dõi.

"Sau thời gian trở về sức khỏe anh Sửu vẫn khỏe mạnh, không dám khẳng định là có nhiễm HIV hay không nên tôi đã khuyên anh đi xét nghiệm để biết bị nhiễm ở giai đoạn nào thì phải có cách phòng tránh cho bản thân và người thân. Kết quả là anh ấy không nhiễm", ông Dũng kể.

Theo ông Nguyễn Đức Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, lúc anh Sửu mới trở về, nhiều người dân không thiện cảm bởi cho anh nhiễm HIV.

"Hiện tại nếu anh Sửu muốn trợ giúp pháp lý, hướng dẫn làm các văn bản hồ sơ để gửi lên các cấp đề nghị làm rõ vấn đề thì xã sẽ hướng dẫn", ông Lâm nói. Hiện anh Sửu đã hoàn tất hồ sơ liên quan gửi tới Tổng cục 8 (Bộ Công an) để đề nghị tìm ra nguyên nhân dẫn tới sai sót trong việc kết luận nhầm nhiễm HIV, trả lại danh dự cho bản thân và gia đình phải chịu đựng trong thời gian qua.

Vợ chồng anh Sửu hiện đang sống hạnh phúc bên nhau

Trong thông báo phát đi ngày 6/4, Sở Y tế Nghệ An nêu rõ sau khi xác định ông Hoàng Khắc Sửu âm tính với virus HIV, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã yêu cầu xóa mã số của anh trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của phường và thị xã.

Về trách nhiệm liên quan, Sở Y tế Nghệ An này cho rằng, năm 2003 việc lấy mẫu máu xét nghiệm cho các phạm nhân trong trại giam thuộc chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS quản lý. Năm 2007, các số liệu của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được chuyển giao cho Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Sự việc đã xảy ra hơn 10 năm, số cán bộ tham gia trực tiếp lấy mẫu máu xét nghiệm và cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc cho các phạm nhân tại trại giam số 3 từ đó đến nay đã nghỉ hưu.
Top