Công tác phòng, chống HIV/AIDS liên tục đạt “3 giảm”

18/08/2015 16:07

Trong giai đoạn 2011-2015, ngành y tế đã phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai toàn diện và có hiệu quả các họat động phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: truyền thông, dự phòng, can thiệp giảm hại, chăm sóc - điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát dịch… Các hoạt động được triển khai với nhiều mô hình sáng tạo, được quốc tế ghi nhận là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.

 

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: Thùy Chi

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã cho biết như trên tại cuộc họp báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 và đề xuất cho giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 18/8, tại Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã liên tục đạt “3 giảm”, đạt hầu hết các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao, góp phần quan trọng vào cải thiện tình trạng sức khỏe, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả cao, ứng phó quốc gia đã có những tiến bộ đáng kể. Đặc biệt, kinh phí trong phòng, chống HIV/AIDS được sử dụng hiệu quả, giai đoạn 2000-2015 có tới 400.000 ca nhiễm HIV được dự phòng do nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với các quần thể có nguy cơ cao, can thiệp phòng, chống HIV/AIDS làm giảm số ca nhiễm ở tất cả các quần thể. Đánh giá tác động của hoạt động giảm hại cho thấy ở các tỉnh/thành phố có độ bao phủ của can thiệp giảm hại cao, có tới 50% số ca nhiễm ở người tiêm chích ma túy và 20% số ca nhiễm ở phụ nữ bán dâm được dự phòng. Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu như không phát hiện trường hợp bệnh nhân điều trị Methadone mới nhiễm HIV.

Việc điều trị ART cũng góp phần làm giảm nhiễm HIV. Bên cạnh đó, việc mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng góp phần làm giảm số ca nhiễm mới ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Kết quả ước tính năm 2013 cho thấy can thiệp này đã bảo vệ được tới 1.850 trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm HIV.

Trong thời gian qua, đáp ứng với dịch HIV vẫn dựa trên nguồn tài trợ quốc tế là chính. Vì vậy, việc các nhà tài trợ đang cắt giảm mạnh các nguồn viện trợ là khó khăn, thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, nếu kinh phí quốc gia không tăng để lấp bù những khoảng trống này thì những thành tựu đạt được trước đây khó có thể duy trì.

Để đảm bảo tính bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020, TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước ở trung ương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương, đơn vị; huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Đồng thời, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh tham gia bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ được cung cấp; hoàn thiện cơ chế điều phối, phân bổ nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí.
Top