Công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

28/12/2020 17:25

Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm (1990-2020) nước ta đối phó với dịch HIV/AIDS. Đến nay, cả nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

 

 Người nhiễm HIV chờ đến lượt tái khám. Ảnh: Thùy Chi

Với kết quả này, theo tính toán, nước ta đã tránh được cho khoảng hơn 400.000 người không bị nhiễm HIV và hơn 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS trong những năm vừa qua. Dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm với mức trung bình khoảng 0,24% mỗi năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tình hình HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, cả nước ghi nhận hơn 210.000 người nhiễm HIV còn sống; mỗi năm cả nước xét nghiệm và phát hiện mới gần 10.000 người nhiễm HIV, gần 2.000 người tử vong vì HIV/AIDS. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 tuổi-29 tuổi (39,4%) và 30 tuổi-39 tuổi (34,3%)…

Điều này làm suy giảm lượng lao động xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là do nghiện ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.

Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho thấy, đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV toàn thành phố là 29.000 người (hơn 23.000 người còn sống, hơn 6.000 người đã tử vong); 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều có người nhiễm HIV/AIDS.

Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác vẫn phát hiện mới người nhiễm HIV/AIDS, ghi nhận số người tử vong do AIDS. Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Theo đó, chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao.

Với cách làm tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo ông Long, để đạt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn người bị nhiễm HIV vào năm 2030 cần một chính sách tổng thể và sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cấp đảng ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó ngành y tế là đơn vị chuyên môn chính sẽ tập trung các các nội dung chính.

Cụ thể như: Tăng cường các hoạt động can thiệp dự phòng cho nhóm quần thể nguy cơ cao; tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), Phụ nữ bán dâm, chuyển giới nữ. Triển khai các mô hình can thiệp mới như Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV là dự phòng; tăng cường hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV phát hiện được nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng; tăng cường đưa người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV của mình vào điều trị ARV, duy trì và tăng cường chất lượng điều trị, phấn đấu đạt mục tiêu 95:95:95 vào năm 2030.

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS.
Top