Cô gái Thái nhiễm H và hành trình chiến thắng số phận

07/07/2015 14:35

“Ngay sau khi nhận được kết quả, tôi vật vã, đau khổ lắm. Rồi tôi tự nhủ lòng mình phải học cách chấp nhận sự thật. Chấp nhận để vượt qua, để vui sống, tôi đã học cách sống chung với H, coi nó là một phần cuộc sống. Tôi nghĩ "mạnh hơn nỗi sợ chính là niềm tin vào chính mình và cuộc sống này”, chị Mạc Thị Hồng chia sẻ.

Mạnh hơn nỗi sợ hãi

Lần gặp mặt đầu tiên với chị Mạc Thị Hồng, tôi đã bị cuốn hút bởi sự lạc quan của chị. Tinh thần lạc quan đó không chỉ giúp bản thân chị trở về từ chốn tận cùng của đau khổ, mà còn tiếp sức cho nhiều mảnh đời bất hạnh ở huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Thoạt đầu nhìn chị, tôi không nghĩ chị đang chung sống với căn bệnh thế kỷ. Ngoài 30 tuổi, trải qua nhiều sóng gió, chị vẫn rất xinh đẹp, vẻ đẹp của cô gái Thái với trái tim ấm nồng, vẻ đẹp từ nghị lực “mạnh hơn sợ hãi” của mình.

Chị Mạc Thị Hồng (bên trái). Ảnh: Bình Nguyên

Chị kể, chị sinh ra trong một gia đình đông anh em ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, dù có nhiều khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho chị học hành đầy đủ. Chị tâm sự, thời điểm đó ở Kẻ Nính, rất hiếm các cô gái Thái rời bản xuống miền xuôi đi học. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Dược Phú Thọ, về quê, chị bán thuốc tại một cửa hàng ở thị trấn Tân Lạc. Rồi chị nảy sinh tình cảm và thuận tình để một chàng trai trong bản “bắt” về nhà làm vợ theo đúng phong tục của người Thái. Những tưởng cuộc đời cô gái xinh đẹp sẽ thuận buồm xuôi gió, hạnh phúc bên chồng con.

Nhấp ngụm trà, chị thở dài: “làm giàu từ việc khai thác gỗ không bao giờ là bền vững cả. Rừng mất mà bệnh tật mang vào người. Nhà tôi cũng vậy, tôi có mất hai người thân vì H: chồng tôi và chú tôi. Tôi chứng kiến nhiều bạn bè qua đời do dùng chung bơm kim tiêm, về nhà vô tình lây cho vợ con nữa. Ngẫm kỹ một điều, cả đất Kẻ Nính chúng tôi phải trả giá vì những hành động do chính mình gây ra. Cả Kẻ Nính này, nhà nào có của ăn của để từ việc khai thác gỗ lậu, thời gian sau con cái của họ đều dính vào ma túy, cờ bạc cả”.

Chị kể, mặc dù bị “bắt” nhưng chị may mắn có được người chồng thương vợ con, cần cù chịu khó. Anh không hề để chị phải thiếu thốn thứ gì. Thời điểm anh chị cưới nhau rồi có em bé, Kẻ Nính quê chị đang là rốn bão ma túy của cả huyện. Có đợt đỉnh điểm, cả làng có hàng trăm người nghiện, thanh niên trai tráng công khai dùng ma túy trong nhà, ngoài ngõ.

Để cải thiện cuộc sống gia đình, chồng chị quyết định xa vợ con đi khai thác và buôn gỗ. Cuộc sống xa vợ con, nảy sinh tâm lý buồn chán, nên anh bị bạn bè rủ rê dùng ma túy. Ngày về, chị hoảng hốt khi anh gầy đi trông thấy, anh bắt đầu có những biểu hiện: sốt kéo dài, choáng váng, tiêu chảy… Nhiều lúc thấy chồng mệt mỏi, chị cố khuyên chồng ở nhà nhưng anh cố gượng đi làm vì lo sợ vợ con thiếu thốn.

Chị Hồng đang làm việc tại Trung Tâm Y tế huyện Quỳ Châu  - Ảnh:Bình Nguyên

Thời gian sau, thấy nhiều bạn bè anh qua đời vì H, bằng linh cảm của một người trong nghề, chị thấy điều gì đó không ổn. Chị dò hỏi anh có dùng chung kim tiêm những người đã qua đời vì H hay không. Khi anh thừa nhận trong thời gian vắng nhà đã sử dụng ma túy, chị vội vàng đưa cả nhà đi xét nghiệm. Đất trời như sụp đổ khi hai vợ chồng chị cùng có kết quả dương tính với HIV. Chị đưa con gái xuống viện Nhi xét nghiệm, may mắn thay, bé hoàn toàn khỏe mạnh. Chị cười buồn: Tôi nghĩ rằng khi nỗi sợ thường trực đã không còn là sự ám ảnh, tôi phải sống cho mình, cho gia đình, và cho con. Tôi học cách sống chung với H, coi nó là một phần cuộc sống rồi.

Chị kể, dù anh lây nhiễm cho vợ nhưng chị không một lời oán trách, đổ lỗi. Chị nghĩ dù sao sự việc đã xảy ra rồi, trách móc, giận dỗi chồng cũng không giải quyết được gì. Vì có sự chuẩn bị về mặt tâm lý nên chị vững vàng hơn chồng, cố bình tĩnh, động viên anh. Nhưng anh không chịu nổi cú sốc, cứ thế buông xuôi, đầu hàng, không hợp tác với thầy thuốc, cơ thể ngày càng gầy yếu. Anh cho rằng, người nhiễm H chỉ sống được một thời gian ngắn, có cố gắng điều trị rồi cũng không mang lại kết quả gì. Những suy nghĩ tiêu cực khiến anh suy sụp. Căn bệnh do virus HIV chưa đủ mạnh để quật ngã anh, anh đã bị chính những suy nghĩ tiêu cực trong con người mình hạ gục. Chỉ 4 tháng sau ngày nhận được kết quả dương tính, anh qua đời. Trước khi ra đi, anh vẫn một mực lo lắng cho mẹ con chị, anh nhắn nhủ với với ông bà nội dù thế nào cũng cố làm cho mẹ con chị cái nhà tử tế, dặn dò hai bên chăm sóc cho mẹ con chị.

Đứng dậy từ bão tố

Lo cho chồng mồ yên mả đẹp, chị nhủ bản thân phải tỉnh táo, sống có trách nhiệm với chính mình và cuộc đời. Chị lao vào tìm hiểu những kiến thức để tự mình chăm sóc chính mình, chị không muốn mình trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai trong gia đình.

Với khát khao cháy bỏng, phần thời gian còn lại, chị quyết định thành lập CLB dành cho những người có H. Chị chia sẻ: Kẻ Nính là bản cũ, năm 2001, được tách thành 4 bản mới. Năm 2012, chị thành lập 2 câu lạc bộ dành cho người có H trên địa bàn, gồm CLB Hy vọng (bản Định Tiến và Tà Cồ), CLB Niềm tin (bản Kẻ Nính và Tà Cọ). Theo danh sách của chị, trên toàn Kẻ Nính cũ, hiện tại có 98 người đang chung sống với HIV/AIDS, 100% người nhiễm H là người dân tộc Thái. Hai CLB của chị trở thành địa chỉ tin cậy cho những người từng nghiện ma túy, người không may nhiễm HIV. Đây là nơi chia sẻ những buồn vui cuộc sống, mỗi lần có thành viên nào qua đời cả nhóm chung tay lại giúp đỡ, lo lắng cho họ mồ yên mả đẹp. Thỉnh thoảng CLB lại tổ chức những bữa liên hoan, trò chơi, ca hát, rượu cần… Chị còn thành lập đội bóng chuyền, tổ chức văn nghệ cho anh chị em trong CLB. Không có nhà cộng đồng, chị lấy nhà mình làm nơi sinh hoạt, sân vườn làm sân tập cho anh chị em. Mỗi tháng, các thành viên trong CLB đóng 10.000 đồng tiền phí.

Chị xắn tay vào công tác xã hội với hy vọng để giúp mình, giúp người thoát khỏi nỗi sợ hãi, ám ảnh từ căn bệnh do virus HIV gây ra. Chị tâm sự, bận rộn sẽ khiến con người ta không còn thời gian để nghĩ vu vơ. Vừa làm ở Hội Phụ nữ, vừa phụ trách chung ở hai CLB, công việc quá tải nên chị quyết định nghỉ bên Hội Phụ nữ để dồn sức lo cho CLB. Để lo cho con gái ăn học đầy đủ, chị vẫn tiếp tục bán thuốc, vừa bán thêm hàng tạp hóa, trồng mía để cải thiện thu nhập.

Quầy tạp hóa của chị Hồng

Từ năm 2012 đến nay, chị đã đến tận nhiều nhà vận động người có H đi xét nghiệm dưới tỉnh, tư vấn xét nghiệm lưu động cho hơn 40 người. Khi mới biết mình nhiễm H, những người bệnh thường có tâm lý rất phức tạp, vì vậy chị nghĩ đối xử với họ bằng tình thương, sự đồng cảm, giúp đỡ họ trong cuộc sống là phương thuốc tốt giúp chị và những người nhiễm H chữa lành những vết thương.

Nỗi niềm của thiếu phụ “vác tù và hàng tổng”

Chị trải lòng, nhiều trường hợp phát hiện bệnh chỉ nghĩ đến chuyện tự tử, không thiết tha gì với cuộc sống nữa, đấy là lúc họ cần chị bên cạnh. Ban đầu, chị đi vận động, nhiều người còn nói thẳng vào mặt chị, chị là người “vác tù và hàng tổng”. Nhiều người không muốn đi xét nghiệm vì xấu hổ, né tránh khi người khác nhắc đến việc xét nhiệm. Chị chia sẻ, gặp những trường hợp như vậy, mình phải thật kiên trì, có khi mất cả ngày khuyên nhủ họ mới hiểu. Mới đây, có trường hợp ở xã Châu Tiến, chị vợ chở chồng đi xét nghiệm nhưng không dám đưa đi đường chính mà phải đi đường tắt vì sợ dân làng nhìn thấy. Rồi nhiều người khi nhận được kết quả dương tính, đã suy nhược nghiêm trọng đến mức không muốn nói chuyện với bất kỳ ai. Lúc nào cũng hoảng hốt, tránh mặt tất cả mọi người, chị chùng giọng: nỗi đau thể chất do căn bệnh mang lại không thể nào sánh nổi với những đau đớn quằn quại trong một tâm hồn khổ sở.

Chị chia sẻ, kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là việc thuyết phục một người ở xã bên đi xét nghiệm. Anh này có cô em gái khá thân với chị, khi biết anh trai có biểu hiện nhiễm HIV, người em khuyên mãi nhưng ông anh không chịu đi, lại còn bị chửi mắng. Chị L bèn gọi điện tâm sự với Hồng. Sáng hôm sau đưa con đến trường, chị chạy xe lên tận nhà người này. Lên đến nơi, người này bảo chị Hồng về: tau bị bệnh kệ tau, mi cứ về lo chuyện nhà mi cho ổn. Không bỏ cuộc, chị kiên nhẫn ngồi từ sáng đến 11 giờ trưa. Cuối cùng anh cũng nghe lời chị, sáng hôm sau hai vợ chồng vội vàng đi xét nghiệm. Chị tâm sự, có nhiều hôm bận đi vận động bà con đi xét nghiệm, không kịp đón con ở trường, bé H.M chờ mẹ mãi không được, đành lủi thủi đi bộ về giữa trưa nắng.

Khi được hỏi kinh nghiệm chăm sóc con đối với người mẹ có H, chị trải lòng: người bình thường nuôi con nhỏ bình thường đã khó khăn, huống hồ là người có H. Tôi tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chăm con tốt nhất. Đối với những vật dụng sinh hoạt bình thường như bàn chải đánh răng, khăn tắm, đồ cắt móng tay…. phải phân biệt rõ ràng về kích cỡ và màu sắc. Ngoài ra người mẹ phải cẩn thận nếu có vết xước nhỏ trên cơ thể thì không được ôm ấp con…

Top