Chuyện về những người bác sĩ “đặc biệt”

05/03/2012 17:08

Chỉ hai cán bộ y tế, họ phải chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm phạm nhân Trại Tạm giam Công an tỉnh Trà Vinh, từ sổ mũi, nhức đầu… đến HIV. Nhiều lúc, họ còn khốn khổ với những “tay anh chị giang hồ” giả bệnh để trốn trại...

Từ chăm sóc phạm nhân…

Một ngày bình thường của các y, bác sĩ ở Trại Tạm giam của Công an tỉnh Trà Vinh trôi qua với bộn bề công việc. Họ đến từng phòng phạm nhân để kiểm tra sức khỏe nhằm tránh các bệnh lây nhiễm bùng phát. Dù vậy ở đây chỉ có 2 cán bộ y tế, đảm nhiệm toàn bộ việc chăm sóc, khám, chữa bệnh cho hàng trăm phạm nhân, điều trị tất tần tật từ đau bụng, nhức đầu, sổ mũi đến cả điều trị lao phổi, HIV... và phạm nhân thì có thể phát bệnh bất cứ lúc nào nên y, bác sĩ ở đây phải túc trực 24/24h để kịp thời khám, chữa bệnh.

Chăm sóc và điều trị bệnh cho phạm nhân đòi hỏi người thầy thuốc ngoài kiến thức về y tế còn phải có nghiệp vụ công an vững vàng. Ảnh minh họa.

Chăm sóc một người bệnh bình thường là không phải dễ nên chăm sóc và điều trị cho người bệnh là phạm nhân lại càng khó khăn hơn. Có những trường hợp bệnh thật nhưng cũng có trường hợp phạm nhân giả bệnh để có cơ hội ra khỏi buồng giam. Nhiều tay anh, chị giang hồ quậy phá, la ó giữa đêm khuya, giả bệnh nặng để tìm cách trốn trại. Những lúc như vậy, đòi hỏi người thầy thuốc công an ngoài kiến thức về y tế còn phải có nghiệp vụ công an vững vàng mới xác định được chính xác tình trạng bệnh của đối tượng để xử lý cho phù hợp.

Trung úy, Y sĩ Đỗ Diệu Thanh tâm sự: “Thấy mình là cán bộ nữ nên phạm nhân nam thường giả bệnh để được khám bệnh rồi trêu chọc mình, những trường hợp như thế mình nghiêm khắc nhắc nhở họ và đề xuất với ban lãnh đạo có biện pháp giải quyết phù hợp. Mặt khác, từ đặc thù ở phòng giam, mình đề xuất và ban lãnh đạo thống nhất cho nhỏ nước tỏi vào mũi phạm nhân sau mỗi buổi ăn cơm để phòng bệnh”.

Ngoài trị bệnh cứu người, các thầy thuốc công an ở Trại Tạm giam còn kiêm vai trò của những "kỹ sư tâm hồn", các y, bác sĩ phải giám sát và động viên để họ uống thuốc điều trị…

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm kể, cách đây không lâu, có trường hợp phạm nhân nam bị tiêu chảy rất nhiều lần, khi bác sĩ khám bệnh thì phạm nhân này khóc rất to, sau khi bác sĩ giải thích, cho uống thuốc thì phạm nhân tiếp tục khóc to hơn lúc trước và nói “tui nhớ con quá bác sĩ ơi”. Vậy là bác sĩ phải vừa truyền nước biển vừa “dỗ dành”, động viên để phạm nhân này hợp tác trong việc điều trị, “khỏe để cải tạo tốt mới sớm có cơ hội đoàn tụ với gia đình”. Sau lần đó, dù đang lao động ở đâu, hễ thấy bác sĩ Liêm là phạm nhân này đều nở nụ cười rất thân thiện. Bác sĩ Liêm cho biết: “Cải thiện được tình trạng bệnh cho phạm nhân là niềm vui chung của y, bác sĩ nơi đây”.

... đến điều tra phá án

Cũng là bác sĩ nhưng họ là những người thầm lặng góp phần tìm ra câu trả lời cho mỗi vụ án. Công việc ấy không phải ai cũng làm được nếu không có lòng đam mê và sự can đảm. Đó là những cán bộ pháp y - những bác sĩ điều tra trong lực lượng công an. Có thể nói, cán bộ pháp y là những người có "thần kinh thép", có những khi các anh phải khám nghiệm tỉ mỉ một xác chết đang trong thời kỳ tan rã và đầy giòi bọ, hoặc quần quật bên một xác chết đã phân hủy không còn hình người nữa… Nhưng để tìm ra nguyên nhân cái chết, xác định có hay không có án, các anh phải làm công việc mà đối với người khác thì thật "kinh khủng".

Vất vả là vậy, nhưng không phải lúc nào công việc của các anh cũng thuận lợi, Thượng úy, bác sĩ Phạm Thanh Hùng, cán bộ đội giám định hóa kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật, phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nhiều khi người nhà nạn nhân không hợp tác, kiên quyết phản ứng lại, không cho chúng tôi làm nhiệm vụ. Nhưng trong sự đau đớn do mất mát người thân, chúng tôi phải thông cảm và kiên nhẫn giải thích, thuyết phục họ”. Công việc của các anh không thể kể hết thời gian, bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, nắng hay mưa, các anh vẫn phải nhanh chóng lên đường. Vất vả nhất là thời điểm lễ, tết, khi đã có rượu, người ta dễ mất bình tĩnh và gây ra những chuyện đáng tiếc. Có những khi, nhiều đêm liên tục các anh không hề được chợp mắt, đi từ huyện này sang huyện khác để tìm ra lời đáp cho những cái chết.

Ngay cả trong những ngày Tết Nguyên Đán vừa rồi, trong khi mọi người đang vui xuân thì các anh phải lên đường đi xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang để khám nghiệm tử thi do tai nạn giao thông, đến giữa khuya thì tiếp tục khám nghiệm tử thi trong vụ giết người ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Chưa kịp ăn Tết, các anh lại phải tiến hành khám nghiệm tử thi do tai nạn giao thông ở ấp Hưng Nhượng A, xã Phương Thạnh. Vừa về đến cơ quan lại tiếp tục nhận được tin có vụ chết người chưa rõ nguyên nhân ở ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, rồi tiếp tục sang xã Tân Bình, huyện Càng Long để làm "vụ giết người"… Những công việc hết sức thầm lặng, nhưng chỉ kể sơ thôi cũng đã thấy các anh phải thật bản lĩnh mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công việc khám nghiệm pháp y luôn là một khâu quan trọng, quyết định việc tìm ra bản chất của những vụ án, nên áp lực công việc đối với các anh cũng rất nặng nề, đòi hỏi phải tiến hành thật tỉ mỉ, thận trọng để có được kết quả nhanh, khách quan, chính xác và đưa ra giả thuyết đúng hướng góp phần giúp cho cơ quan điều tra để tìm ra thủ phạm, cũng như giải oan cho người vô tội.

Khó khăn là vậy, vất vả là thế nhưng tấm lòng của những người thầy thuốc công an vẫn luôn nhân hậu. Họ bao dung chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân, lặng lẽ hy sinh để bảo vệ cái đúng, vạch trần tội ác. Nếu không có một trái tim biết yêu thương và sự hy sinh thầm lặng hẳn rằng y, bác sĩ ở đây khó có thể thực hiện được những nghĩa cử đó trong suốt cuộc đời của một bác sĩ khoác áo công an.

Top