Chống kỳ thị người nhiễm HIV: Cần lắm những tấm lòng

17/07/2015 15:51

“Ăn cơm phải ngồi riêng một góc, không được phép ăn chung với các thành viên trong gia đình. Đến bố mẹ còn kỳ thị với người con không may nhiễm HIV như vậy thì ngoài xã hội còn đáng lo thế nào".

 

Ảnh minh họa

Đó là lời chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 (cơ sở chuyên điều trị cho bệnh nhân nghiện, HIV) khi nói về tình trạng người nhiễm HIV bị phân biệt đối xử.

Kỳ thị là rào cản lớn

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong công tác phòng chống HIV hiện đang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó nổi bật là vấn đề kỳ thị với người nhiễm HIV và kinh phí để duy trì hoạt động phòng, chống HIV.

Việc kỳ thị của xã hội kể cả ở cộng đồng như trường học, nơi làm việc, cơ sở y tế đối với người nhiễm HIV là rào cản lớn đối với chương trình phòng, chống HIV.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thảo cho biết, một người nhiễm HIV đang điều trị tại Bệnh viện 09 trong một lần chuyện trò đã kể rằng, trước kia bệnh nhân này bị gia đình kỳ thị, không cho ăn cùng mâm với các thành viên, phải ngồi riêng góc nhà để ăn.

"Anh đã phải sống những tháng ngày như địa ngục trần gian, vừa bị bệnh tật hành hạ vừa phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình", bác sỹ Thảo cho hay.

Sau khi biết được hoàn cảnh của bệnh nhân, các tình nguyện viên cùng chuyên viên tư vấn của bệnh viện đã đến gặp trực tiếp gia đình bệnh nhân và giải thích, thuyết phục cho các thành viên hiểu, HIV không lây truyền qua đường tiếp xúc thông thường như ăn uống, sinh hoạt chung mà chỉ lây qua đường máu, đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con.

"Sau một thời gian vất vả thuyết phục, các thành viên trong gia đình bệnh nhân đã nhận ra, đến thời điểm hiện tại khi bệnh nhân về nhà được ngồi ăn cơm cùng mâm với gia đình", bác sỹ Thảo vui mừng kể.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Thảo, chuyện không cho ăn cơm cùng chỉ là một trong nhiều minh chứng của tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV, đau lòng hơn cả là sự lạnh lùng đến khắc nghiệt của các thành viên trong gia đình đối với bệnh nhân nhiễm HIV.

Trong suốt nhiều năm qua, các bác sỹ của Bệnh viện 09 đã phải chứng kiến nhiều cái chết lặng lẽ, cô độc của bệnh nhân vì không có lấy một người thân đến gặp mặt lần cuối. Có nhiều bệnh nhân nằm nội trú ở bệnh viện vài năm trời nhưng tuyệt nhiên không có một người thân nào tới thăm nom.

Không những vậy, theo bác sỹ Thảo, không ít lần lãnh đạo bệnh viện còn nhận được tin nhắn từ người nhà bệnh nhân với nội dung “sao các bác không để cho nó chết đi, cứu làm gì” hay “người nhà tôi xây mộ rồi, cho chết thôi”. Thậm chí, đến khi bệnh nhân hấp hối chỉ với mong ước cuối cùng được gặp mặt người thân, bệnh viện gọi điện thông báo về gia đình cũng không hề nhận được phản hồi.

“Nhiều bệnh nhân đã ra đi trong sự ghẻ lạnh của chính những người thân trong gia đình. ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’, khi bệnh nhân nằm xuống, các y bác sỹ trở thành ‘thân nhân’ bất đắc dĩ, chu đáo đưa tiễn người quá cố về đất mẹ", bác sỹ Thảo buồn rầu kể lại.

Cần lắm những tấm lòng nhân văn

Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, thực hiện luật phòng, chống HIV/AIDS về tận các đường làng, góc phố, vùng sâu vùng xa… nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn phổ biến. Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, việc kỳ thị, phân biệt đối xử, không tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng... là những hành vi cần lên án. Hành vi này không chỉ thể hiện thiếu hiểu biết về HIV/AIDS mà còn thể hiện sự thiếu văn minh trong một cộng đồng xã hội.

"Sự kỳ thị và phân biệt sẽ giết những người nhiễm HIV/AIDS trước khi bệnh tật giết họ. Nhiều người mặc cảm, mất hết lòng tin và sống bất cần, không có trách nhiệm với xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân khiến đại dịch này lan rộng tại Việt Nam", ông Cảnh nhận định.

Do vậy, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS luôn trăn trở, mong muốn mọi người hãy có cách nhìn nhân văn hơn với người nhiễm HIV, vì những người nhiễm HIV, họ cũng là một con người có trái tim, biết buồn vui đau khổ. Bên cạnh đó, họ cũng là một người lao động đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Rất nhiều người nhiễm HIV đã vươn lên chiến thắng số phận để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Làm thế nào để giảm sự kỳ thị?

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, điều quan trọng nhất là bản thân người bệnh phải thoát khỏi sự mặc cảm để tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cộng đồng cần có kiến thức về việc lây nhiễm HIV để tránh sự kỳ thị không đáng có.

“Công bố mới nhất của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, khi bị kim tiêm nhiễm máu của người nhiễm HIV chọc vào da người khác, xác suất lây nhiễm HIV mới chỉ là 0,3%. Còn khi dịch sinh học máu của người nhiễm HIV bắn vào mắt và niêm mạc miệng người khác, xác suất lây nhiễm mới là 0,1%. Đó còn chưa kể vi rút HIV chỉ sống được ở ngoài môi trường khoảng vài phút”, ông Cảnh khẳng định.

Ngoài ra, trong phòng chống HIV hiện nay, vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động phòng chống HIV cũng là thách thức lớn trong thời gian tới.

“Hiện nay số tiền viện trợ cho các chương trình phòng chống HIV của các tổ chức thế giới đang bị cắt giảm, do vậy bệnh nhân phải tự chi trả một phần kinh phí điều trị. Mức đầu tư từ chính phủ và các địa phương cần phải bảo đảm để hỗ trợ thực hiện đề án phòng chống HIV như đã cam kết với quốc tế”, ông Cảnh nói.
Top