Chẩn đoán HIV càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai

28/06/2019 10:13

Để hạn chế sự lây nhiễm của virus HIV từ mẹ sang con, điều quan trọng nhất là người mẹ chủ động tìm hiểu những kiến thức về nguy cơ lây nhiễm và đường truyền của HIV để phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm sang cho con. Chẩn đoán HIV càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai.

 Lấy máu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Ảnh: TT KSBT Bến Tre

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, trong năm 2018, toàn tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 17,9 ngàn lượt phụ nữ đến khám thai và sinh con tại các cơ sở y tế, đạt trên 70%. Hiện nay, tỉnh có 1 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn là cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển tiếp.

Địa phương đã quản lý tốt phụ nữ nhiễm HIV sinh con không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, khi trẻ 18 tháng phải xét nghiệm lại thì thường mất dấu trẻ do các bà mẹ đi làm xa hoặc đổi địa chỉ cư trú.

Ngoài lây truyền qua đường tình dục, đường máu, HIV còn lây truyền từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, do đó phụ nữ khi có kế hoạch sinh con cần xét nghiệm sớm, can thiệp kịp thời nhằm hạn chế việc lây truyền sang con nếu không may nhiễm HIV.

Trong thời kỳ mang thai, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh nhau ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Các chuyên gia nghiên cứu nhận thấy, có tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Tỷ lệ này có thể tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng, mẹ bị phơi nhiễm HIV trong khi đã có thai hoặc mẹ đã mang thai rồi mới bị nhiễm HIV.

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ được sinh qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai bị xây xước, sang chấn…

Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virus HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn.

Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36%. Nhưng nếu được áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn dưới 3%. Chính vì vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để hạn chế sự lây nhiễm của virus HIV từ mẹ sang con, người mẹ cần chẩn đoán HIV càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai. Các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất là trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai, phụ nữ nên được xét nghiệm sàng lọc HIV càng sớm càng tốt.

Trường hợp mẹ phát hiện nhiễm HIV thì phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nên nuôi con bằng sữa thay thế. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chuyên môn về các hoạt động dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và đang được áp dụng tại các cơ sở y tế. Phác đồ điều trị phòng lây truyền từ mẹ sang con phụ thuộc vào tình trạng nhiễm HIV của mẹ. Do đó, xét nghiệm sớm HIV cho mẹ là cách bảo vệ sức khỏe của con.
Top