‘Cánh tay nối dài’ phát hiện nhiễm mới HIV tại Hải Phòng

11/12/2017 15:54

Là nhóm tự lực được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Dự án bảo vệ tương lai-Chiến lược mới nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên từ 16-24 tuổi sử dụng ma túy tại Việt Nam tài trợ hoạt động, nhóm tự lực Hải Đăng đang là “cánh tay nối dài” trong việc phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tạo lòng tin với “khách hàng”

Nhóm Hải Đăng, Hải Phòng được thành lập năm 2013 với 13 thành viên nòng cốt hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi sự lây lan HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy và các nhóm dễ bị tổn thương; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Tư vấn xét nghiệm cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại Hải Đăng. Ảnh: Thùy Chi

Tháng 6/2017, thành viên của nhóm đã được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh thử phản ứng với HIV (Laytest). Đây là hình thức lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm nhanh. Nếu có phản ứng với HIV, khách hàng sẽ được nhóm tư vấn và chuyển gửi đến Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Phòng để tiến hành xét nghiệm khẳng định HIV.

Anh N.T.T. thành viên của nhóm Hải Đăng cho biết, năm 2017, nhóm đã tiếp cận gần 900 khách hàng, chuyển gửi đến Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Phòng) 644 khách hàng để xét nghiệm xác định, trong đó có 12 ca mới dương tính với HIV. Tất cả các trường hợp này đều được hướng dẫn đăng ký điều trị thuốc ARV. Đặc biệt, từ tháng 7/2017, nhóm đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm nhanh (Laytest), cho kết quả nhanh. Hình thức xét nghiệm đã phát huy hiệu quả, bước đầu tạo được lòng tin với khách hàng.

Những người nguy cơ cao nhiễm HIV (người tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ đồng tính nam, bạn tình của người nhiễm HIV…) luôn có tư tưởng lo ngại khi phải tới các cơ sở y tế, trung tâm làm xét nghiệm HIV do sợ lộ thông tin và sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, khi được xét nghiệm tại Hải Đăng đã giúp khách hàng tự tin, thoải mái hơn.

Anh N.T.T cho biết, phương pháp lấy máu qua đầu ngón tay rất đơn giản, không đau và có kết quả sau 15 phút. Thời gian xét nghiệm rất linh hoạt, khi khách hàng có nhu cầu các thành viên sẵn sàng làm việc cả buổi tối và ngày cuối tuần. Tất cả các thông tin đều được bảo mật, thủ tục nhanh chóng.

Nhóm Hải Đăng không chỉ thực hiện phương thức này tại văn phòng của mình mà còn đến xét nghiệm nhanh tại các tụ điểm, điểm “nóng” về sử dụng ma túy trên địa bàn 4 quận được phân công, gồm có: Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Nhờ vậy, đến nay, nhóm đã tiếp cận và thực hiện được 15 ca xét nghiệm nhanh, tất cả kết quả đều âm tính.

Ngoài ra, nhóm còn chuyển gửi đi điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone 6 khách hàng; điều trị viêm gan C cho hai khách hàng; hỗ trợ pháp lý cho hai khách hàng; tổ chức 25 cuộc tư vấn nhóm tại văn phòng cho 447 lượt khách hàng; tổ chức 32 cuộc truyền thông cho hàng trăm khách hàng. Đồng thời, các thành viên của nhóm đã đến các điểm nóng về tiêm chích ma túy để phát hơn 40.000 bao cao su; hơn 212.000 bơm kim tiêm và hơn 70.000 ống nước cất.

Người chủ động xét nghiệm HIV tăng đáng kể

Ông Đào Viết Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc 6.904 mẫu, trong đó gồm 300 mẫu giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi trên đối tượng nghiện ma túy; 2.920 mẫu giám sát phát hiện và các xét nghiệm sàng lọc của dự án Qũy Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, VAAC-US.CDC.

Nhân viên xét nghiệm tại Hải Đăng thực hiện xét nghiệm nhanh cho "khách hàng". Ảnh: Thùy Chi

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng đã tổ chức thực hiện công tác tư vấn trước và sau xét nghiệm. Thực hiện đúng thường quy xét nghiệm của Bộ Y tế, bảo đảm kết quả trung thực, chính xác. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho các đối tượng, ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, đa dạng các hình thức xét nghiệm cố định, lưu động, điểm nóng về HIV...

Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo tập huấn cho 30 giám sát viên, tư vấn viên, xét nghiệm viên thực hiện xét nghiệm HIV bằng test nhanh, lấy máu đầu ngón tay tại cộng đồng, từ tháng 6/2017 triển khai mô hình tư vấn xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng.

Thực hiện chuyển gửi ca xét nghiệm HIV dương tính từ cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tới cơ sở chăm sóc điều trị bằng bộ công cụ chuyển gửi. Việc này có nghĩa là, cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV thực hiện báo cáo chuyển gửi các ca dương tính, phòng khám ngoại trú thực hiện báo cáo các ca bệnh nhân mới tiếp nhận trong tháng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng nhập dữ liệu và phản hồi cho các cơ sở.

Ông Đào Viết Tuấn cho hay, để thực hiện xét nghiệm nhanh cho các khách hàng, các nhân viên xét nghiệm tại cộng đồng đã được tập huấn rất bài bản, bảo đảm theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, số người chủ động xét nghiệm HIV trên địa bàn đã tăng đáng kể, tạo cơ hội cho người nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ điều trị, dự phòng phù hợp, giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong hai năm 2016-2017, toàn quốc có 106.712 người tham gia xét nghiệm tại cộng đồng (gồm tư vấn xét nghiệm lưu động, tư vấn xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm, chiếm 21,8% số lượt người xét nghiệm toàn quốc. Trong đó, 3.703 lượt người có phản ứng dương tính với HIV, chiếm 18,5% số phản ứng dương tính HIV toàn quốc.

Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng đã góp phần thực hiện mục tiêu phát hiện 90% người nhiễm HIV vào năm 2020; đồng thời, tăng lựa chọn làm xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, các tổ chức cộng đồng có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV bảo đảm chất lượng và chính xác, trong đó, phương thức xét nghiệm nhanh đang được triển khai thí điểm tại các nhóm tự lực, câu lạc bộ ở một số tỉnh, thành phố bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách hàng có nguy cơ cao.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định, việc triển khai mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tư vấn xét nghiệm là một mô hình rất hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ xét nghiệm trong nhóm những người có nguy cơ cao với HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang tồn tại ở cộng đồng, làm cho rất nhiều người có nguy cơ không dám đi xét nghiệm HIV. Do đó, việc tổ chức xét nghiệm HIV tại cộng đồng để phát hiện sớm tình trạng bệnh của người nhiễm là việc làm rất cần thiết.
Top