Cần tập trung sáng kiến mới để đạt mục tiêu 90-90-90

17/05/2017 15:16

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị, các đơn vị được chọn thực hiện thí điểm thực hiện mục tiêu 90-90-90 cần tập trung triển khai các sáng kiến mới, cách làm hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn để người dân có được dịch vụ gần nhất với chất lượng tốt nhất.

Xét nghiệm HIV cho cộng đồng

Điện Biên là một trong 5 tỉnh  (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và TPHCM) được chọn thí điểm thực hiện mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian qua địa phương đã đạt được những hiệu quả rất tích cực, tuy nhiên do nguồn viện trợ cho công tác này bị cắt giảm nên giai đoạn tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay, với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng của bản thân, Điện Biên đã nỗ lực đạt được 67,4%, đã phát hiện được 3.200 trường hợp nhiễm HIV, cần phát hiện thêm 1.548 trường hợp.

Mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV, Điện Biên đã điều trị cho 2.894 bệnh nhân, đạt 67,7%, cần tìm và điều trị thêm 1.409 trường hợp.

Đối với mục tiêu 90% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây nhiễm, địa phương đã đạt được 71,7%.

Với sự hỗ trợ tích cực của các Dự án cả về kinh phí và kỹ thuật, Điện Biên đã triển khai các sáng kiến về cung cấp các dịch vụ lấy bệnh nhân làm trung tâm. Triển khai xét nghiệm khẳng định bằng 3 test nhanh tại tuyến huyện, kết hợp với chuyển tuyến sàng sọc lưu động, khẳng định nhiễm HIV trong 48 giờ.

Bên cạnh đó, triển khai xét nghiệm không chuyên (do nhân viên y tế thôn bản, nhân viên tiếp cận cộng đồng) tại 9 huyện; vận chuyển mẫu máu xét nghiệm qua đường bưu điện; triển khai cấp phát thuốc ARV tại xã lồng ghép trong các đợt xét nghiệm lưu động. Đồng thời, tăng cường phối hợp Lao/HIV thông qua việc lồng ghép cung cấp dịch vụ và quản lý lao/HIV tại cùng cơ sở y tế tuyến huyện.

Những khó khăn địa phương phải đối phó trong giai đoạn tới gồm: Dịch HIV đã lan ra các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone chưa về được tuyến xã của khu vực nói trên nên người bệnh rất khó tiếp cận.

Một số quy định chuyên môn chưa phù hợp với địa bàn các tỉnh miền núi như: Điều trị ARV ổn định trong thời gian 6 tháng mới được chuyển về tuyến xã; cấp thuốc 1-2 tháng 1 lần cho những bệnh nhân ổn định đang đi làm ăn xa là thời gian khá ngắn, đây là lý do khiến người bệnh có thể bỏ điều trị. Để giải quyết khó khăn này, trong thời gian tới, Điện Biên sẽ thí điểm cung cấp điều trị nghiện ma túy bằng Methadone thông qua y tế thôn bản để giảm chi phí đi lại cho người bệnh.
Top