Cần những bước đi mạnh mẽ hơn trong phòng, chống HIV/AIDS

15/05/2015 17:27

Chiều 15/5, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm Bảo đảm tính bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và cung ứng thuốc ARV giai đoạn 2016 - 2020.

 Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội (bên phải) phát biểu tại Tọa đàm- Ảnh Thùy Chi

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp 2 khó khăn lớn là sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và vấn đề nguồn lực. Cụ thể, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng đã có sự chuyển biến, từ chỗ người nhiễm HIV/AIDS không dám xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay đã có nhiều chương trình, sự kiện tuyên truyền, cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng. Về vấn đề nguồn lực, tuy đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên vấn đề tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang là thách thức lớn, nhất là khi bước vào giai đoạn 2016 - 2020 khi các nhà tài trợ quốc tế đang giảm dần nguồn tài trợ. Vì vậy, cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 31/3, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 227.064 trường hợp, 70.865 bệnh nhân AIDS và trên 72.770 số người nhiễm HIV tử vong.

HIV là một trong 6 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Phần lớn nam thanh niên và nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ. Dịch vẫn tập trung ở các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, Tây Nam bộ, thành phố lớn và khu vực tập trung. Dịch HIV xuất phát từ nghiện chích ma túy lan sang bạn tình, dịch HIV ở nữ giới có xu hướng tăng.

Số người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng ARV gia tăng từ 516 trường hợp trong năm 2004, năm 2012 điều trị cho 72.708 trường hợp, năm 2013 đã có gần 81.780 người nhiễm HIV điều trị ARV và đến năm 2014 đã có hơn 92.840 trường hợp được điều trị ARV. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2015 đã có thêm gần 970 người được điều trị ARV.

Việc điều trị ARV giúp giảm tử vong ở người nhiễm HIV; giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế; tăng tuổi thọ của người nhiễm HIV.

 Toàn cảnh cuộc tọa đàm - Ảnh Thùy Chi

Phó Cục trưởng Bùi Đức Dương cho biết, phân bổ kinh phí cho thuốc ARV trong các năm qua chủ yếu do nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài. Năm 2014, tổng kinh phí cho thuốc ARV là 389.916 triệu đồng, trong đó nguồn viện trợ là 372.738 triệu đồng, nguồn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia là 17.178 triệu đồng. Như vậy, khi các nguồn viện trợ đang giảm mạnh, phân tích thiếu hụt nhu cầu mua thuốc ARV tăng lên theo lộ trình để tiến tới đạt được mục tiêu 90-90-90 là rất lớn. Cụ thể, với sự cam kết của nguồn viện trợ quốc tế từ Quỹ Toàn cầu và PEPPAR trong năm 2015 là 337.044 tỷ đồng thì số thiếu hụt là 83.782 tỷ đồng. Ước tính thiếu hụt của năm 2016 là 152.667 tỷ đồng, năm 2017 là 221.960 tỷ đồng và đến năm 2020 sẽ là 921.084 tỷ đồng.

Bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) cho rằng, đầu tư cho điều trị ARV là một đầu tư sáng suốt để kết thúc hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS. Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu 90-90-90 là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Trong đó, đầu tư để mở rộng điều trị ARV sẽ mang lại lợi ích to lớn cho dự phòng lây nhiễm HIV. Hãy cùng chia sẻ trách nhiệm bằng việc gia tăng nguồn lực đầu tư trong nước, điều này có thể sẽ khuyến khích các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của quốc gia.

Phát biểu kết luận tọa đàm, bà Trương Thị Mai cho biết, Việt Nam đã được công nhận là nước có thu nhập trung bình thấp nên Việt Nam sẽ phải chủ động khi nguồn lực từ các tổ chức quốc tế giảm mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có lộ trình hợp lý để có thể bảo đảm hiệu quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, do đó hy vọng các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ để giúp Việt Nam có thể thực hiện được các mục tiêu đã cam kết đã đặt ra. Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực trong công tác này và tăng cường giám sát để có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực viện trợ từ phía các tổ chức quốc tế.

Top