Cần môi trường pháp lý cho các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

14/12/2016 12:10

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo Môi trường pháp lý nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi 

Tại hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, để giúp Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả, đã có rất nhiều tổ chức được lập ra để giúp dự án. Qua sự hình thành, vai trò của các tổ chức hình thành rất mạnh, để các tổ chức có thể hoạt động chính tắc cần phải cho các tổ chức vị thế, địa vị pháp lý khi tham gia triển khai dự án, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS.

Từ năm 2000, với sự trợ giúp quốc tế, số lượng lớn các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBOs) được hình thành và phát triển theo các dự án. Riêng Dự án VUSTA hiện đang hỗ trợ cho 96 CBOs. 10 năm trở lại đây, hình thành nhiều các tổ chức cộng đồng, với phạm vi hoạt động rất đa dạng, trong tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội.

TS Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho hay, tại những buổi tổng kết thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng đã được khẳng định. Nhiều đại biểu đã nhận xét Việt Nam đạt được kết quả như hiện nay vì đã đồng hành với các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức cộng đồng còn nhiều khó khăn về pháp lý, thể chế, tư cách pháp nhân. Đây là vấn đề lớn nhất cần được tháo gỡ.

Khảo sát mới đây của Đại học Y Hà Nội về khó khăn của các tổ chức cộng đồng cho thấy, khó khăn lớn nhất của các tổ chức này là kinh phí, tư cách pháp nhân. Tiếp đến là nhân viên thiếu trình độ, kinh nghiệm, khó khăn trong mối quan hệ với cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, các tổ chức phi chính phủ, liên hệ với các tổ chức xã hội, sự ủng hộ của cộng đồng...

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu môi trường thể chế, chính sách cho sự phát triển các CBOs trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, không có tư cách pháp nhân, các CBOs không được tiếp cân trực tiếp với các nguồn tài trợ quốc tế, khu vực doanh nghiệp ít thông tin về CBOs, nhiều khi hiểu sai về hoạt động của các tổ chức này, trong khi các doanh nghiệp hiện chỉ được khuyến khích khi tài trợ cho “các tổ chức thành lập hợp pháp”...

Đại diện nhóm FSW (TP HCM) cho biết, có tư cách pháp nhân thì CBO sẽ dễ dàng hoạt động vì nếu tổ chức hoạt động thì sẽ không bị cho là tự phát, trái phép. Ngoài ra, nếu có tư cách pháp nhân thì xã hội công nhận các thành viên của CBOs là có công việc, có thể xin được tài trợ trực tiếp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tổ chức.

TS. Hàn Mạnh Tiến cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần có quan niệm và cái nhìn toàn diện và thống nhất hơn về xã hội dân sự nói chung và các tổ chức cộng đồng nói riêng; ghi nhận và tôn vinh các kết quả, những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động cộng đồng; công bố minh bạch các yêu cầu về quản lý nhà nước (nếu thấy cần thiết cho từng thời kỳ) để loại bỏ tâm lý e ngại không đáng có, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phong phú của khu vực này.

Xã hội nên ghi nhận khái niệm và sự tồn tại của CBOs như một “thực thể xã hội” một cách chính thức trong Luật về Hội sẽ ban hành. TS. Hàn Mạnh Tiến cho rằng nên đề nghị chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành một văn bản dưới Luật, trong đó quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức cộng đồng, làm rõ điều cấm/không cấm đối với các hoạt động, xác định quyền và tách nhiệm của các tổ chức này.

Hỗ trợ việc chính danh và tăng cường quản lý nhà nước bằng cách xây dựng chế độ “đăng ký-chấp nhận”, qua đó các cấp chính quyền có thể “yên tâm” quản lý mà vẫn tạo điều kiện để các tổ chức cộng đồng hoạt động theo đúng mục đích và trong khuôn khổ pháp luật.

Top