Cần có giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết trong phòng chống HIV/AIDS

05/02/2010 11:02

Trong “cuộc chiến” chống đại dịch HIV/AIDS, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc hay có khả năng tự đối phó với những thách thức và hậu quả nặng nề đại dịch này.

Dự Hội thảo quốc tế về “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS” mới đây, GS-TS Nguyễn Lân Dũng đã rất xúc động khi nghe 1 nạn nhân nữ bị nhiễm HIV và ông nhấn mạnh chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn nhằm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này. Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu bài viết của Giáo sư về những việc cần phải kiên quyết thực hiện trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

 

Trong “cuộc chiến” chống HIV/AIDS, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nước ta rất quan tâm đến việc phòng chống HIV/AIDS, năm 2006 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Phòng chống HIV/AIDS. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phòng chống AIDS đến năm 2010, trong đó có những biện pháp rất cụ thể như huy động toàn xã hội tham gia công tác này, tăng cường tổ chức các nhóm đồng đẳng để tự chăm sóc giúp đỡ nhau, hỗ trợ cán bộ chuyên trách và triển khai các biện pháp điều trị bằng thuốc ARV cho các bệnh nhân AIDS, phát bơm kim tiêm cho người nghiện hút... Pháp luật nước ta nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV ở nhà trường, ở nơi làm việc, ở nơi khám chữa bệnh...

Trong 2 ngày 10-11/12/2009, Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế về “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS”. Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội đã cảm ơn nghị sĩ các nước thành viên IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ban Thư ký IPU đã tới Hà Nội tham dự Hội thảo quan trọng này.

Từ khi phát hiện những trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên, đến nay sau gần 3 thập kỷ đã có khoảng 60 triệu người trên thế giới nhiễm HIV và đã có 25 triệu người chết vì AIDS. Nước ta phát hiện thấy trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990, vậy mà tính đến cuối tháng 9/2009 con số người nhiễm HIV còn sống đã lên tới 156.802 trường hợp, trong đó có 34.391 trường hợp chuyển sang AIDS . Đã có tới 44. 232 người chết vì căn bệnh thế kỷ này. Đáng buồn là HIV/AIDS đã lan ra 100% các tỉnh và thành phố, 98% các quận, huyện và 71% số xã phường trong cả nước. Hơn nữa có tới trên 80% số người dương tính với HIV lại ở tuổi 20-39, lứa tuổi đẹp nhất và đang phát triển tài năng nhất trong cuộc đời.

Nguyên nhân lây nhiễm HIV có nguồn gốc nhiều nhất từ tình trạng tiêm trích ma túy, tới 55%; khoảng 15,7 % từ quan hệ tình dục không an toàn (trong đó có rất nhiều do chồng vợ lây cho nhau) và có 1,8% do mẹ truyền cho con .

Bà Hoài Thu, Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS đã được đại biểu các nước hoan nghênh khi giới thiệu các kinh nghiệm hoạt động của Hội tại thành phố đông dân nhất nước và đang có tới tỷ lệ 566 người nhiễm HIV tính trên 10 vạn dân. Hội phòng chống HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố khác cũng đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều công việc rất khó khăn nhưng rất quan trọng này.

Ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là sự đồng tình chia sẻ kinh nghiệm của từng quốc gia đối với nhân dân ta và với các nước tham gia Hội thảo.

Tôi đã rất cảm động khi nghe phát biểu của cháu Phạm Thị Hiền, một nạn nhân nhiễm HIV từ chồng, người đầu tiên công khai tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm góp phần động viên và giúp đỡ các người cùng cảnh ngộ.

Trong giờ giải lao, tôi đã gặp Hiền và nghe cô gái 29 tuổi này tâm sự về hoàn cảnh của mình. Hiền mồ côi bố mẹ, sống với người dì ghẻ và 3 đứa em nhỏ (2 em cùng bố khác mẹ). Năm 23 tuổi Hiền lấy chồng. Khi đó hiểu biết về HIV/ AIDS trong cộng đồng còn quá ít ỏi. Cô biết chồng nghiện hút và đã có quan hệ với gái mại dâm nhưng trong quá trình tìm hiểu, cô cảm phục anh vì cho là anh có nghị lực dừng lại mọi thói xấu để xây dựng tương lai.

Ai ngờ chồng cô đã nhiễm HIV và vì vậy đã lây cho Hiền và cho cả đứa con đầu lòng. Anh của chồng và con anh ta gần đây cũng đã chết vì AIDS. Chị dâu cũng nhiễm HIV và đã lấy một người khác, cũng là người nhiễm HIV. Trong hoàn cảnh như vậy với người khác thì chắc sẽ gục ngã, nhưng Hiền đã dũng cảm đứng lên chấp nhận mọi sự thật và quyết tâm sống một cách có ích cho cả cộng đồng.

Hiền đi học các lớp học truyền thông về HIV/AIDS và rất may đã đẻ được đứa con thứ hai an toàn (không nhiễm HIV). Hiền tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS và cùng một số bạn tự nguyện làm cộng tác viên của Trung tâm. Từ Ninh Xá (Bắc Ninh), Hiền nhờ bạn đèo ra Trung tâm tại Hà Nội và đi khắp tỉnh Bắc Ninh để xây dựng 4 nhóm đồng đẳng mang tên Vì ngày mai tươi sáng tại 4 huyện. Hiện đã có hơn 100 bạn tham gia. Họ tìm thấy niềm vui mới trong việc chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau và tìm việc làm cho nhau. Hiền rất lạc quan và vẫn chưa chịu dùng thuốc ARV khi chỉ số CD4 đã thấp hơn ngưỡng 250. Con trai và chồng Hiền đang được điều trị bằng ARV, tôi khuyên Hiền nên sớm dùng thuốc để sống lâu hơn với chồng con, nhất là với đứa con chưa nhiễm HIV.

Những người thân của Hiền rất thương cô và gánh vác mọi việc nhà để cho Hiền toàn tâm làm công tác xã hội. Cô gái chưa học hết cấp II này giờ đây sử dụng thông thạo điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy ghi âm và đang hoạt động rất có hiệu quả trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho cộng đồng nhiễm HIV, cộng đồng nghiện hút ma túy,đấu tranh không nhượng bộ trong các trường hợp kỳ thị, phân biệt đối xử trái luật đối với những nạn nhân của đại dịch HIV/AIDS. Rất tiếc là trợ cấp cho cô gái nhiều nghị lực này chỉ có 1 triệu đồng 1 tháng. Rất mong nhà hảo tâm nào có ý định hỗ trợ ít nhiều xin liên hệ với Cổng TTĐT Chính phủ để có thể sớm chuyển trực tiếp cho Hiền.

Qua Hội thảo và qua trao đổi với những cô gái trẻ tham gia Hội thảo có hoàn cảnh như Hiền, tôi thấy chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn nhằm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Chúng ta phải tấn công quyết liệt vào tệ nạn buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy, vì tiêm chích đang là nguyên nhân chính của các trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở nước ta. Đại biểu Vương quốc Arabia Saudi cho biết nước họ không có tệ nạn ma túy cho nên mới chỉ có 3.538 trường hợp nhiễm HIV và 78% là do quan hệ tình dục không an toàn.Chúng ta phải kiên quyết can thiệp đối với các trường hợp còn kỳ thị , phân biệt đối xử sai luật với người nhiễm HIV (không cho trẻ em đi học hay bắt ngồi riêng, xa lánh các gia đình có người nhiễm HIV, từ chối khám và chữa bệnh cho người nhiễm HIV, từ chối để những người này tham gia vào việc ứng cử vào các cương vị đại biểu nhân dân...)

Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nguồn kinh phí Nhà nước cho lĩnh vực quan trọng này. Theo Bộ Y tế, kinh phí dành cho cả lĩnh vực rộng lớn này hiện chỉ có 165 tỷ đồng (hơn 8 triệu USD), chia cho 63 tỉnh thành để phục vụ cho gần 16 vạn người đang sống chung với HIV và cho việc tuyên truyền vận động 86 triệu dân thì đúng là như muối bỏ biển.

Chúng ta cần mạnh dạn đầu tư mua bằng sáng chế để có thể tự sản xuất thuốc ARV, một loại thuốc giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống thêm vài chục năm để có thể tiếp tục sinh hoạt và lao động bình thường như mọi người khác. Không thể dựa mãi vào các nguồn viện trợ quốc tế khi con số nhiễm HIV chưa có xu thế giảm sút.

Cần đầu tư nhanh cho các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Chín tháng đầu năm nay trong số 138.930 người được xét nghiệm HIV tại 256 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đã phát hiện thấy tới 19.756 trường hợp nhiễm HIV (14,2%). Cần khuyến khích (tiến đến bắt buộc như ở nhiều nước) việc xét nghiệm HIV tiền hôn nhân.

Cần có cách nhìn mới và giải pháp mới trong công tác ngăn chặn lây nhiễm HIV từ gái mại dâm. Hội thảo đã nghe báo cáo của New Zealand- nước đầu tiên trên thế giới có Luật phi hình sự hóa nghề mại dâm (!). Họ xử lý rất nặng gái đứng đường, gái vị thành niên và tìm việc làm cho những cô gái muốn chuyển nghề.

Nếu thực sự từ xưa tới nay chưa có nước nào ngăn được tệ nạn mại dâm thì hãy chọn biện pháp nào ít có hại nhất thay vì làm ngơ và chấp nhận kéo dài tác hại lây truyền HIV từ gái mại dâm.

GS-TS Nguyễn Lân Dũng

Top