Cần Thơ: Thay đổi hình thái dịch HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao

06/12/2019 14:47

Cần Thơ hiện nằm trong danh sách 5 tỉnh, thành tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm nam quan hệ tình dục (MSM). Kết quả giám sát trọng điểm HIV cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao, từ 18% năm 2018 tăng lên 20,3% năm 2019; trong khi cả nước, tỷ lệ trung bình là 10,17%.

 Xét nghiệm cho nhóm nguy cơ cao tại Cần Thơ. Ảnh: TTPC HIV/AIDS Cần Thơ

Nhìn chung, dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, lây truyền qua quan hệ tình dục chiếm trên 96%. Trong đó, nhóm tuổi từ 20 - 39 tuổi chiếm trên 80%. Đáng lưu ý, MSM chiếm trên 52% trong tổng số người nhiễm HIV phát hiện được trong năm 2019.

Ngoài ra, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng gia tăng, từ 14,7% vào năm 2017 tăng lên 18% ở năm 2019. Sự thay đổi hình thái dịch HIV từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng khiến cho việc ứng phó càng khó khăn hơn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2019, TP. Cần Thơ phát hiện mới 256 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 14 người và tử vong 27 người. So với cùng kỳ năm 2018, số người nhiễm HIV tăng 34 người, chuyển sang AIDS giảm 36 người, tử vong giảm 16 người.

Để đẩy lùi dịch bệnh trong nhóm nguy cơ cao và đạt được mục tiêu 90-90-90, Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các hoạt động để tuyên truyền trong cộng đồng và nâng cao ý thức phòng, tránh, góp phần ngăn đại dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, địa phương triển khai các hoạt động can thiệp, giảm hại như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho đối tượng nguy cơ cao, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị methadone, điều trị ARV sớm, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng...

Dù HIV đã xuất hiện ở TP Cần Thơ gần 30 năm, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn. Đây chính là rào cản khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không đi xét nghiệm; còn người nhiễm HIV thì không điều trị hoặc điều trị muộn.

Bên cạnh mô hình tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, Cần Thơ cũng triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Với phương pháp này, chương trình phòng, chống HIV/AIDS có thêm vũ khí dự phòng HIV. Hiện nay, đã có 9 cơ sở đăng ký triển khai PrEP. Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chưa nhiễm HIV, không chống chỉ định thì có thể dùng PrEP. Trong năm 2019 và 2020, khách hàng dùng PrEP được miễn phí thuốc và một số xét nghiệm.

Thời gian tới, Cần Thơ, sẽ tập trung nguồn lực để duy trì thực hiện các hoạt động then chốt, nhất là hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở; kiện toàn và củng cố chất lượng hoạt động các phòng tư vấn xét nghiệm HIV, tập trung tư vấn, khuyến khích người nhiễm HIV đang điều trị ARV giới thiệu chuyển gửi vợ, chồng, bạn tình của họ xét nghiệm HIV, tiếp tục mở rộng mô hình tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ, chuyển gửi điều trị ARV cho những người nhiễm HIV đã phát hiện từ những năm trước…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông giới thiệu hệ thống dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt nhóm MSM; bảo đảm tính sẵn có các vật dụng can thiệp giảm hại như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn; duy trì và mở rộng đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên và tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học và cao đẳng.
Top