Các tổ chức xã hội cần có nguồn lực và cơ chế tài chính

23/04/2015 17:15

Việc rà soát cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS có ý nghĩa quyết định để hoạt động này phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Từ ngày 23 - 24/4, tại Hà Nội, Dự án thành phần VUSTA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội thảo “Rà soát và xây dựng đề xuất cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội" cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Theo TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, có thể chia thành 2 giai đoạn trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là giai đoạn toàn bộ nhà nước đảm nhiệm với nguồn lực nhà nước, xã hội, các tổ chức quốc tế và giai đoạn có sự tham gia của các tổ chức xã hội.

Hiện có khoảng 80 tổ chức xã hội, 4 mạng lưới tham gia vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS và đã được Chính phủ ghi nhận, song các tổ chức, mạng lưới này phải tự “bươn chải” để hoạt động mà không có sự hỗ trợ ngân sách nào từ nhà nước. Do đó, để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả rất cần có nguồn lực và cơ chế tài chính.

TS. Phạm Văn Tân cho biết, hội thảo “rà soát và xây dựng đề xuất cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội" nhằm tập trung thảo luận, rà soát lại cơ chế tài chính từ các văn bản pháp luật, thông tư của chính phủ, các bộ ban ngành liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế chính sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó xây dựng, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp để có thể thúc đẩy được quá trình thực hiện công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Hiền, nguyên Vụ phó Vụ Khoa giáo Văn xã VPCP - thành viên Tổ chuyên gia của Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm cho rằng, việc cắt giảm mạnh kinh phí của các tổ chức quốc tế và chính phủ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS là thách thức đối với công tác này.

Bà Hoàng Thị Hiền, nguyên Vụ phó Vụ Khoa giáo Văn xã VPCP phát biểu tại hội thảo - Ảnh Thùy Chi

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP với quy định tự quản, tự chịu trách nhiệm về nguồn lực tài chính, cũng như giai đoạn 2016 - 2020 không còn chương trình mục tiêu quốc gia cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS làm cho thách thức này càng lớn hơn. Do đó, việc rà soát cơ chế tài chính và xây dựng đề xuất cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết, có ý nghĩa quyết định để phát triển và duy trì sự bền vững của các hoạt động.

“Luật phòng, chống HIV/AIDS khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc, còn thờ ơ với việc này”, bà Hoàng Thị Hiền cho hay.

Theo PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS Việt Nam, cần thay đổi chính sách và đề cao tính chủ động, chúng ta không thể chỉ ngồi “trông chờ” vào ngân sách nhà nước mà hãy vận động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, các tổ chức xã hội phải vận động chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm để chung tay đóng góp cho công tác này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS chưa thực sự được hưởng lợi từ thành quả lao động của mình, trong đó có nguồn ngân sách, vì vậy các tổ chức xã hội cần có đại diện tạo tiếng nói chung khẳng định vai trò trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS để có thể tiếp cận quyền lợi này và kêu gọi nguồn lực tài trợ.

Giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác, như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... cũng đều do các tổ chức quốc tế viện trợ. Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các nguồn viện trợ quốc tế và cả đầu tư ngân sách trong nước trong phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu hoạt động, trong khi đó các chỉ tiêu cần đạt được ngày một tăng.
Top