Các tổ chức cộng đồng tham gia ngày càng trưởng thành

10/03/2015 17:53

Trong năm 2014, Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã tiếp tục góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, hoàn thành các kế hoạch và vượt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu. Đặc biệt, so với các năm trước, các tổ chức cộng đồng tham gia dự án đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có buổi phỏng vấn bà Đỗ Thị Vân - Giám đốc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam về hiệu quả của dự án và những giải pháp tháo gỡ khó khăn khi nguồn lực quốc tế đang giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Giám đốc Dự án VUSTA Đỗ Thị Vân - Ảnh: Thùy Chi

PV: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật dự án đã đạt được trong năm qua và những khó khăn, thuận lợi khi triển khai dự án?

Giám đốc Đỗ Thị Vân: Trong năm 2014, Dự án thành phần VUSTA tiếp tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu đã cam kết với Quỹ Toàn cầu.Cụ thể, dự án đã tiếp cận, cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho hơn 2.940 người nhiễm HIV, gần 1.450 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các hộ gia đình, tư vấn dự phòng cho 12.140 người vợ/bạn tình của người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy và gần 14.900 người nam quan hệ tình dục đồng giới. Tại 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Bình Dương, dự án cũng tiếp cận và dự phòng cho hơn 2.000 người tiêm chích ma túy và 1.260 phụ nữ bán dâm.

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ cho 73 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và 4 mạng lưới toàn quốc bao gồm Mạng lưới của người sống chung với HIV/AIDS, Mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người sử dụng ma túy, Mạng lưới hỗ trợ phụ nữ lao động tình dục và Mạng lưới nam quan hệ đồng tính (MSM) và người chuyển giới.

Đặc biệt, trong năm qua các tổ chức cộng đồng tham gia dự án đã trưởng thành hơn rất nhiều. Những năm đầu hoạt động, các nhóm dựa vào cộng đồng (CBO) phải nỗ lực để được cộng đồng và các cơ quan chính quyền địa phương biết đến và công nhận.  Tới nay, rất nhiều nhóm CBO đã có thể kết nối và huy động sự hỗ trợ từ các cơ quan ở địa phương, từ Trung tâm phòng, chống AIDS, Trung tâm Y tế đến các Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, công an.

Ở nhiều địa bàn, CBO không chỉ tiếp cận và chuyển gửi khách hàng mà còn phối hợp với Trung tâm phòng, chống AIDS của tỉnh (PAC) để tổ chức xét nghiệm HIV và khám bệnh lưu động, tư vấn cho khách hàng ngay tại văn phòng nhóm, các cán bộ PAC cũng cam kết hỗ trợ CBO nếu có nhu cầu, kể cả trường hợp phải làm cuối tuần hay ngoài giờ.

Bên cạnh đó, nhiều CBO đã bắt đầu chủ động huy động nguồn lực, gây quỹ để tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện cộng đồng và qua đó nâng cao hình ảnh sống tích cực, giảm sự kỳ thị từ cộng đồng đối với những người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao. Xét từ góc độ nâng cao năng lực, đây là điều rất đáng tự hào vì ngay cả trong chính các nhóm này cũng còn sự tự kỳ thị rất lớn.

Ngoài ra, năm vừa qua cũng đánh dấu sự ghi nhận nhiều hơn đối với vai trò và đóng góp của các tổ chức xã hội trong chương trình phòng chống AIDS, thể hiện ở việc Đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhóm đích được tham gia nhiều hơn (40%) trong Cơ chế điều phối quốc gia của Quỹ Toàn cầu (CCM). Đại diện các tổ chức xã hội và cộng đồng, mạng lưới của người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao cũng tham gia góp ý tích cực cho Báo cáo quốc gia về tiến độ chương trình AIDS toàn cầu giai đoạn 2012-2013. Trong báo cáo lần này, Dự án thành phần VUSTA đã được đưa vào là một trong những mô hình thực hành tốt của chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam.

Về vận động chính sách, dự án đã tham gia vận động cho hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong năm qua là vấn đề bảo hiểm y tế và việc điều trị nghiện bằng Methadone. Thông qua các hội thảo, đối thoại và chia sẻ ý kiến, những người hưởng lợi được trực tiếp nói lên các nhu cầu và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ với các nhà hoạch định chính sách.

PV: Thưa bà, trong năm 2015, Dự án VUSTA sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì?

Giám đốc Đỗ Thị Vân: Cuối năm 2014, Quỹ Toàn cầu đã phê duyệt đề xuất dự án phối hợp phòng, chống Lao/HIV do Cơ chế điều phối quốc gia của Việt Nam đệ trình cho giai đoạn tài trợ 2015-2017. Sau khi thoả thuận tài trợ mới được ký kết, VUSTA sẽ trở thành đơn vị tiếp nhận viện trợ chính, đây là một thách thức, đồng thời cũng là một cơ hội cho VUSTA và các tổ chức xã hội tham gia triển khai dự án.

Từ năm 2015, dự án sẽ mở rộng địa bàn triển khai từ 10 tỉnh lên thành 15 tỉnh, tập trung cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho 3 nhóm nguy cơ cao là người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục với nam và phụ nữ bán dâm. Chiến lược của dự án là tiếp tục củng cố năng lực của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) để mở rộng tiếp cận các nhóm nguy cơ cao, tư vấn, khuyến khích hành vi an toàn và tập trung vào vấn đề chuyển gửi để tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV sớm.

Song song với mảng cung cấp dịch vụ dự phòng, VUSTA và các tổ chức xã hội tiếp tục thực hiện mục tiêu củng cố hệ thống cộng đồng và vận động chính sách để gỡ bỏ các rào cản trong tiếp cận các dịch vụ về HIV, điều trị nghiện, hỗ trợ pháp lý cho các nhóm nguy cơ cao. Dự án thành phần VUSTA cũng hỗ trợ các mạng lưới của các nhóm đích để củng cố năng lực tổ chức cho các mạng lưới này, để họ phát huy tính đại diện và huy động sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng trong việc xây dựng, triển khai và giám sát chương trình.

PV: Trong khi tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp thì nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác này lại ngày càng giảm mạnh. Ban Quản lý Dự án VUSTA sẽ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Giám đốc Đỗ Thị Vân: Vấn đề kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và cho hoạt động của các tổ chức xã hội nói riêng trong lĩnh vực này là một bài toán hóc búa mà cả chính phủ lẫn bản thân các tổ chức xã hội đang phải nỗ lực tìm lời giải. Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS tại Hội thảo “Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS” do Dự án thành phần VUSTA tổ chức tháng 9/2014, hiện nay khoảng 80% ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ các nhà tài trợ quốc tế như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, World Bank… Chi phí mua thuốc Methadone và ARV cũng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ (100% đối với Methadone và 95% đối với ARV).

Trong bối cảnh các nguồn viện trợ sẽ cắt giảm mạnh trong một vài năm tới, sẽ rất khó để duy trì hiệu quả của chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện nay nếu như không có các giải pháp để huy động nguồn lực tài chính từ trong nước. Đây là vấn đề không phải chỉ một dự án có thể giải quyết được. Tuy nhiên, ở góc độ dự án, chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ các nhóm cộng đồng tự nâng cao năng lực để có thể huy động được nguồn lực từ địa phương trong các hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục vận động để có được cơ chế đăng ký hoạt động và cơ chế tài chính cho các tổ chức này. Chỉ khi có được một tư cách pháp nhân phù hợp với năng lực và hoạt động thì các CBO mới có thể phát huy được hết khả năng và hiệu quả của họ.

Ngoài ra, bản thân những người trong cuộc cũng cần chủ động tham gia giải quyết vấn đề, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại như những năm trước đây. Hiện nay, mạng lưới người nhiễm HIV/AIDS, mạng lưới MSM, mạng lưới hỗ trợ người sử dụng ma tuý, người bán dâm đã có thành viên trên hầu hết các tỉnh/thành phố trọng điểm. Chúng tôi muốn hỗ trợ các mạng lưới để nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin và khuyến khích người nhiễm HIV/AIDS và các nhóm nguy cơ cao tham gia mua bảo hiểm y tế, tiếp cận với chương trình Methadone.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Top